Kích cầu qua các phiên chợ Tết

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân các huyện ngoại thành trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều năm qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp (KCN) được ngành công thương Hà Nội chú trọng tổ chức.

Chú trọng đưa hàng Tết về nông thôn
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân các huyện, KCN trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các DN sẽ tổ chức khoảng 22 phiên chợ Tết và hàng trăm chuyến bán hàng lưu động, chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp Tết.
Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Sở Công Thương yêu cầu DN tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải là hàng Việt, đảm bảo chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu vệ sinh ATTP, giá hợp lý. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, hàng dệt may, da giày, thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng, sản phẩm làng nghề truyền thống.

Chọn sản phẩm tại một phiên chợ Tết 2016 do Sở Công Thương tổ chức.Ảnh: Phạm Hùng

Ngoài tham gia chương trình chung của TP, nhiều DN bán lẻ còn tự tổ chức đưa hàng về các huyện ngoại thành, các KCN. Bà Nguyễn Hải Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Dự kiến, trong dịp Tết Đinh Dậu, Hapro sẽ tổ chức trên 60 cửa hàng phục vụ Tết, 100 điểm bán hàng lưu động phục vụ Tết ở ngoại thành, 10 điểm bán hàng kéo dài qua Giao thừa. “Hapro mang đến chợ Tết nhiều sản phẩm truyền thống như bánh chưng, giò các loại, bánh mứt kẹo, gạo, đồ uống, nước giải khát... Ngoài ra còn có các sản phẩm quần áo thời trang, đồ gia dụng..., đáp ứng nhu cầu phong phú của người dân. Chúng tôi luôn ưu tiên hàng Việt Nam, đặc biệt là đặc sản truyền thống các vùng miền. Đối với các điểm chợ Tết nội thành, hàng ngoại có thể chiếm 10 - 20%, nhưng với các điểm bán hàng ở ngoại thành thì chủ yếu là hàng Việt Nam” - bà Thanh khẳng định.
Cơ hội quảng bá hàng Việt
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hà Nội là địa phương triển khai tốt các chương trình đưa hàng về nông thôn. Để làm được như vậy UBND TP Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các DN tham gia vào các chương trình bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn và đặc biệt chú trọng tổ chức phiên chợ Tết tại các huyện. Thông qua hoạt động này, người dân nông thôn có thêm cơ hội mua sắm hàng chất lượng cao do các DN trong nước sản xuất.
Còn đối với DN, việc tham gia các phiên chợ hàng Việt giúp mở rộng thị trường nội địa. Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Hapro cho biết: Trong 5 năm qua, Hapro đã tổ chức hơn 1.300 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện, KCN. “Gần đây, hàng Việt chất lượng ngày càng tốt lên nhưng chưa được quảng bá rộng rãi. Qua những chuyến bán hàng về nông thôn, bà con dần quen với việc sử dụng hàng Việt chất lượng cao”.
Mặc dù việc tổ chức phiên chợ Tết tại các huyện ngoại thành giúp DN quảng bá thương hiệu, sản phẩm Việt, nhưng thực tế cho thấy chi phí cho những chuyến hàng hóa đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa khá cao nên DN hầu như không có lợi nhuận. Chính vì vậy, ngành công thương Thủ đô đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ DN khi tham gia chương trình này. Cụ thể như chi phí thuê địa điểm hoặc chuẩn bị mặt bằng; thiết kế market tổng thể; thi công, trang trí, dàn dựng các điểm bán hàng; các hoạt động phụ trợ; chi phí thiết kế, in ấn tờ rơi, băng rôn, cờ phướn, pano để giới thiệu quảng bá về chương trình, đồng thời hỗ trợ kinh phí thuê xe đi lại, vận chuyển, phụ cấp lưu trú cho nhân viên thực hiện chương trình…
Có thể thấy, với nhiều hoạt động hỗ trợ DN, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã và đang thu hút nhiều DN tham gia, trong đó các phiên chợ Tết được nhiều người tiêu dùng quan tâm, nhất là người dân vùng ngoại thành mỗi dịp cuối năm.