Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đề xuất giảm thuế VAT

Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng

Kinhtedothi - Phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhiều ngành hàng hóa, dịch vụ từ 10% còn 8% đã được đặt lên bàn Quốc hội. Các chuyên gia dự báo, việc giảm 2% thuế VAT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ; đồng thời giúp DN giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm của DN tăng khả năng cạnh tranh.

Giảm thuế VAT “dài hơi”

Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Chính sách giảm thuế VAT được thực hiện từ năm 2022 đến nay, nhằm hỗ trợ người dân, DN phục hồi sau dịch Covid-19. Nhưng những lần trước chỉ giảm 6 tháng một. Đề xuất lần này có điểm mới: thời gian giảm thuế gấp 3 lần so với các lần giảm thuế trước, kéo dài từ 1/7/2025 đến hết năm 2026 (18 tháng).

Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, đây là thông tin rất tích cực. “Chúng ta từng nhiều lần giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng nhưng lại ngập ngừng, cứ sau 6 tháng lại công bố đợt giảm mới và chỉ kéo dài 6 tháng, không đủ thời gian để DN tính toán kế hoạch làm ăn, nên DN có thể rơi vào trạng thái chờ đợi, làm giảm động lực đầu tư và tiêu dùng, giảm hiệu quả của chính sách kích thích tài khóa. Còn khi DN biết rõ lộ trình giảm thuế rõ ràng, dài hạn họ mới có thể chủ động hơn trong tính toán chi phí, dòng tiền và kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kích thêm sức mua bằng giảm giá” - TS Trần Đình Thiên nói

Khách chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo ông Trần Đình Thiên, giảm thuế 18 tháng, trong đó có 6 tháng của năm 2025 và trọn năm tài chính 2026 là khoảng thời gian đủ để các DN đưa vào bài toán xây dựng phương án kinh doanh của mình trong thời gian tới. Về phía người tiêu dùng yên tâm, nếu cứ mua sắm ở siêu thị trong 18 tháng tới, họ sẽ tiết kiệm được 2% tổng số tiền đã thanh toán.

TS Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp về thuế cho rằng các giải pháp thuế trong thời gian tới phải tiếp tục đóng vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua kích cầu tiêu dùng nội địa. Kinh tế thế giới xuất hiện những biến động, rủi ro mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước vẫn còn nhiều thách thức. Bối cảnh yêu cầu kích cầu tiêu dùng cao hơn, phải củng cố thị trường nội địa để bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, như một nguồn hỗ trợ trong trường hợp động lực tăng trưởng từ xuất khẩu chậm lại, thì các biện pháp giảm thuế cho người dân để họ yên tâm chi tiêu nhiều hơn thay vì tiết kiệm vẫn rất cần được chú ý và phải làm mới. Và cái mới của đợt giảm thuế VAT lần này nếu được thông qua, đó là thời gian giảm dài.

Doanh nghiệp, người dân vui mừng

Đề xuất mở rộng đối tượng giảm thuế, giảm thuế VAT áp dụng trong 6 tháng cuối năm nay và năm 2026 là tin vui cho DN, người dân.

Giám đốc một công ty du lịch chia sẻ đã nhận ký hợp đồng tour đến hết tháng 12/2025 vì nhiều khách đặt tour sớm để có giá tốt. “Khi các đơn vị như DN, nhà trường… đặt tour cho nhóm đông người, họ quan tâm đến cả chi phí và thuế. Khi đặt tour, khách sẽ nhìn vào mức thuế VAT là 10% hay 8%. Điều này đã được chứng minh qua những lần giảm 2% thuế VAT trước đó đã góp phần làm tăng lượt khách du lịch đáng kể” - vị này cho hay.

Bên cạnh việc kéo dài thời gian giảm thuế, dự thảo Nghị quyết mở rộng đối tượng được giảm thuế suất thuế VAT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT gồm:

Mở rộng diện giảm 2% thuế VAT với xăng dầu, máy giặt, lò vi sóng. Sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (như máy giặt, lò vi sóng, dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan, cổng thông tin...), sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (như thùng, bể chứa và dụng cụ chứa đựng bằng kim loại, nồi hơi...). Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, đây là những hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho mục đích tiêu dùng trực tiếp của người dân.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Chính phủ đang trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế VAT 2% cho 6 tháng cuối năm 2025, đồng thời tiếp tục giảm thuế VAT này trong cả năm 2026. Điều này muốn nói rằng chúng ta đang cần phải giảm các loại thuế đánh vào những hàng hóa tiêu dùng trực tiếp để kích cầu, khuyến khích tiêu dùng của người dân, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo.

GS.TS Hoàng Văn Cường- Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội

Trong lĩnh vực dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10, đánh giá, nhờ giảm thuế VAT 2%, DN có điều kiện cơ cấu lại sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động. Tuy vậy, các đơn hàng mới chỉ hồi phục về lượng, chưa có hồi phục về giá do lạm phát trên thế giới dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Vì vậy, việc đề xuất kéo dài chính sách này đến hết năm 2026, đặc biệt mở rộng sang nhóm hàng hóa thiết yếu như xăng, dầu - vốn có tác động lan tỏa đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế sẽ giúp DN giảm chi phí đầu vào giúp giảm giá thành, giúp sức tiêu thụ mạnh hơn. “Nếu chúng ta kéo dài chính sách này thì sẽ tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho DN, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng” - ông Thân Đức Việt nói thêm.

Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách

Bộ Tài chính dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó: 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng). Nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu bù đắp.

Nhiều chuyên gia cho biết, nguồn thu NSNN không những không giảm mà xét về giá trị tuyệt đối là tăng, do việc giảm thuế VAT cũng củng cố lòng tin của người dân, DN từ đó thúc đẩy tiêu dùng.

Cụ thể, năm 2022, việc giảm thuế VAT đã hỗ trợ DN và người dân khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, góp phần kích cầu tiêu dùng, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021. Năm 2023, chính sách này đã hỗ trợ DN và người dân khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng, giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022. Năm 2024, chính sách cũng đã hỗ trợ DN và người dân khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm 2023.

Chuyên gia thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú cũng chỉ ra, mỗi lần giảm thuế là tăng thu NSNN chứ không hề giảm. Ba năm qua chứng minh điều đó: như năm 2022, tổng thu ngân sách đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021; năm 2024, tổng số thu NSNN lần đầu tiên vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 320.000 tỷ đồng so với năm 2023.

TS Nguyễn Minh Thảo, chuyên gia về môi trường kinh doanh bổ sung: “Những năm qua, mặc dù chúng ta giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN nhưng nguồn thu NSNN vẫn tăng. Điều đó cho thấy DN duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh và có sự phát triển. Như vậy, chúng ta vừa bảo đảm được nguồn thu, vừa giúp DN có cơ hội phát triển”.

Trích dẫn
Trích dẫn 2

Việc giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ thông qua giảm VAT sẽ giúp DN tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, đồng thời kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, cần mở rộng đối tượng áp dụng giảm thuế VAT; thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế VAT cho DN; xem xét việc điều chỉnh lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một cách phù hợp để hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư CIEM

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tỷ giá USD hôm nay 17/5: thị trường bất ngờ lao dốc

Tỷ giá USD hôm nay 17/5: thị trường bất ngờ lao dốc

17 May, 07:06 AM

Kinhtedothi - Tỷ giá USD hôm nay 17/5, thị trường tự do quay đầu giảm mạnh giá mua – bán đồng USD so với phiên trước. Các ngân hàng thương mại giữ giá trao đổi đồng USD. Tỷ giá trung tâm giảm về mức 24.960 đồng.

Giá vàng hôm nay 17/5: lao dốc

Giá vàng hôm nay 17/5: lao dốc

17 May, 06:37 AM

Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay 17/5, thị trường thế giới đảo chiều giảm mạnh sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed. Thị trường trong nước, vàng SJC và nhẫn đảo chiều tăng mạnh giá mua – bán so với phiên trước.

Minh bạch xuất xứ hàng hóa là ưu tiên hàng đầu

Minh bạch xuất xứ hàng hóa là ưu tiên hàng đầu

17 May, 06:06 AM

Kinhtedothi - Cùng với biện pháp siết chặt kiểm soát xuất xứ hàng hóa của Chính phủ và Bộ Công Thương, các DN Việt Nam cần chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa, truy xuất chuỗi cung ứng để tránh rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ