Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kịch tính phiên xử vụ khách hàng kiện Coca – Cola

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 4 năm, một vụ án khá hy hữu vừa được TAND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đưa ra xét xử: Đó là vụ khách hàng kiện Công ty TNHH Nước giải khát Coca - Cola Việt Nam (Coca Cola) với vật chứng là một chai cam ép chứa ống thủy tinh và giấy vụn.

Sau quá trình xét xử tòa đã tuyên bị đơn là Coca Cola thắng kiện. Tuy nhiên, vụ án này vẫn được dư luận quan tâm bởi quyền lợi của người tiêu dùng có thể chưa được đảm bảo.

Chai cam ép chứa ống thủy tinh

Ngày 15/9, công cuộc đòi quyền lợi của chị Nguyễn Thị Bình Minh (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã thỏa mãn một phần khi vụ Coca Cola bị kiện được đưa ra xét xử ở Tòa án quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội sau nhiều lần bị hoãn… Trước đó, ngày 5/10/2011, khách hàng Nguyễn Thị Bình Minh mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu Splash ghi nhãn của hãng Coca Cola (sản xuất ngày 29/6/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011, mã 2352 C3) chi nhánh Công ty Coca Cola tại Hà Nội sản xuất. Sau đó, chị Minh phát hiện trong đó có một chai Splash còn nguyên nắp chứa giấy vụn và đặc biệt có hai mảnh thủy tinh vỡ bên trong chai nước.
 
Quang cảnh phiên tòa.
Quang cảnh phiên tòa.
Chị Minh đã ủy quyền cho Công ty Luật TNHH YouMe (Hà Nội) làm việc với Coca Cola giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, phía người tiêu dùng đã không nhận được sự giải quyết thỏa đáng của Coca Cola và quyết làm hồ sơ gửi ra tòa khởi kiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại phiên tòa, đại diện cho khách hàng bị ảnh hưởng về quyền lợi là Luật sư Phạm Ngọc Minh và người được ủy quyền bảo lưu quan điểm yêu cầu Coca Cola xin lỗi công khai chị Minh và người tiêu dùng, đồng thời bồi thường giá trị bằng tiền của một chai cam ép (trị giá 7.000 đồng).

Ông Nguyễn Hoài Giang (đại diện của Coca Cola) cho biết, quy trình sản xuất chai Splash là quy trình khép kín liên tục bao gồm các khâu như rửa, sục, chiết rót, đóng gói, lưu kho. Chai thủy tinh dùng để chứa sản phẩm là chai sử dụng quay vòng, số chai này sẽ được máy gắp từng chai, nhân viên của Coca Cola sẽ quan sát bằng mắt thường xem chai có sứt, hỏng, chứa dị vật hay không. Chai này được treo ngược trên băng chuyền chạy vào bồn rửa, nước sẽ được phun ngược vào chai để rửa. Tiếp theo là ngâm số chai đã rửa này vào xút. Sau đó chai được rửa nước nóng để tẩy xút và phun nước trong tư thế treo ngược một lần nữa trước khi chạy đến máy soi. Nhân viên hãng này sẽ đặt từ 8 - 10 chai lên dây chuyền chạy qua máy soi, nếu phát hiện chai bẩn, có chứa dị vật, có nước thì hệ thống sẽ ngay lập tức gạt chai này xuống… Theo như ông Giang, quy trình chặt chẽ là vậy, tuy nhiên khi Luật sư Phạm Ngọc Minh hỏi ông Giang là quy trình đó có thể có sai sót không? Ông Giang cho hay: “Có thể có sai sót” nhưng việc để sót cả ống thủy tinh (trong dây chuyền) không thể tồn tại.

Lập luận khôi hài và thực nghiệm bất ngờ

Trong phiên tòa, Luật sư của Coca Cola Việt Nam yêu cầu đình chỉ vụ án vì một số nguyên nhân. Việc cho rằng không xác định được đơn kiện là vụ kiện của người tiêu dùng vì: “Mua hàng thì hóa đơn đâu? Nếu mua hàng mà không có hóa đơn thì phải có người làm chứng”. Về vấn đề này, Luật sư Phạm Ngọc Minh đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hoài Giang: “Ông đã bao giờ từng uống sản phẩm Coca Cola ở ngoài đường, ở quán hay không?”. Ông Giang nói: “Tôi uống nhiều rồi”. Luật sư Minh tiếp tục hỏi: “Thế bao nhiêu lần ông lấy được hóa đơn và ông có nhớ được chính xác hóa đơn, người, quán bán hàng cho ông cách đây vài năm trở về trước?”. Đại diện Coca Cola trả lời: “Nếu tôi mà dùng chai Coca Cola trong nhà hàng thì cái chai đó sẽ được tính vào hóa đơn tổng thể, nhà hàng không bao giờ tách riêng ra hóa đơn đỏ là chai nước bao nhiêu tiền”.

Tại phiên tòa, phía Coca Cola Việt Nam đưa ra một lập luận “khôi hài” khác là việc khách hàng Bình Minh chưa chứng minh được thiệt hại vì đã sử dụng chai nước ấy đâu mà thiệt hại (!?). Nhiều người tại tòa nghe lập luận này phải “phì cười” vì theo họ: Phải chăng Coca Cola muốn người tiêu dùng chứng minh thiệt hại bằng cách phát hiện ra chai nước chứa ống thủy tinh thì vẫn sử dụng để bị thiệt hại rồi mới đi đòi? Luật sư đại diện cho khách hàng đã ngay lập tức phải lên tiếng khi cho rằng, nếu khách hàng sử dụng chai Splash có chứa ống thủy tinh và giấy vụn thì có thể ảnh hưởng xấu đến tính mạng.

Cũng tại phiên tòa này, phía Coca Cola đã tiến hành một thực nghiệm nhưng không lường trước được sự “phản tác dụng”. Theo đó, chỉ để chứng minh việc dị vật có thể xuất hiện dễ dàng trong chai nước thủy tinh, đại diện Coca Cola đã cho mang đến tòa một số chai nước của hãng này. Sau đó lấy ra hai chai đưa ra để thực nghiệm bằng cách mở một chai nước cho vào đó hai ống thủy tinh, sau đó dùng tay dập nắp chai này lại. Tiếp đó, người thực nghiệm cầm chai nước có chứa dị vật dốc ngược lại và khẳng định nước không hề rò rỉ. Thậm chí, người này còn mang chai nước lên cho chủ tọa phiên tòa kiểm chứng là chai được đóng kín dễ dàng dù mới được mở ra và cho dị vật vào. Trước đề nghị của phía Coca Cola là triệu tập thêm đại diện kiểm nghiệm sản phẩm lỗi là Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), người bán hàng, người làm chứng. Chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố hoãn phiên xử.

Thắng kiện vì… nắp chai

Mở lại phiên tòa, ngày 23/9 HĐXX của TAND quận Bắc Từ Liêm kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự  trước đó. Lần xử này, có mặt tại tòa là giám định viên của Viện Khoa học hình sự. Trả lời các câu hỏi của tòa xung quanh Kết luận giám định số 1894/C54 (P3) ngày 29/8/2013; Kết luận giám định số 288/C54 (P4) ngày 5/1/2015, giám định viên giải thích, Viện Khoa học hình sự không đo được độ kín nắp chai vì vật chứng chỉ có 1 chai. Tiến hành theo phương pháp và máy móc của Công ty Coca Cola (chỉ có Coca Cola mới có thiết bị này) thì nắp sẽ bị bật, ảnh hưởng đến thành phần bên trong chai.

Về thành phần của chai cam ép được bà Minh cung cấp để giám định, giám định viên trình bày, chất tạo màu, cam ép, chất bảo quản trong chai đều nằm trong khung tiêu chuẩn cho phép của Coca Cola. Tuy nhiên, ông Tuấn nói, không thể kết luận 100% là sản phẩm của Coca Cola được. Về sự khác biệt ở nắp chai, giám định viên phân tích, năm 2011, nắp chai của Coca Cola có màu đỏ hồng, nắp chai gửi đến đối chiếu màu vàng. So sánh đặc điểm dấu vết, độ uốn lượn cong của các đường gờ là khác nhau.

Quá trình tranh luận, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng, đối chiếu với Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì bà Minh không phải cung cấp địa chỉ người bán hàng, mua hàng dưới 200 ngàn đồng thì không phải cung cấp hóa đơn. Luật sư cũng khẳng định về độ tin cậy của vật chứng khi diễn giải kết luận của Viện Khoa học hình sự: “Không phát hiện dấu vết mở ra đóng vào ở nắp chai cam ép; màu in trên nhãn đều cùng loại với mẫu do Coca Cola cung cấp để so sánh; thành phần, các chỉ tiêu hóa lý của chai được đưa đi giám định và mẫu của Coca Cola là tương tự".

Đại diện nguyên đơn đề nghị Coca Cola phải hoàn trả khoản tiền đã mua chai nước cam (7.000 đồng), giải thích rõ nguyên nhân có tạp chất trong chai, xin lỗi vì để sản phẩm khuyết tại lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, luật sư của bị đơn phản bác lại quan điểm này và cho rằng, như lời giám định viên tại tòa thì đầu dập nắp của chai Coca Cola được giám định khác với mẫu mà công ty cung cấp và từ đó cho thấy, đây không phải là sản phẩm của Coca Cola nên đề nghị tòa đình chỉ vụ án.

Cuối phiên tòa, HĐXX TAND quận Bắc Từ Liêm đã tuyên bác đơn khởi kiện của nguyên đơn. Theo đó, nắp chai Coca Cola mà bà Minh cung cấp với mẫu Coca Cola cung cấp để so sánh có dấu vết, độ uốn lượn cong của các đường gờ là khác nhau như giám định viên khẳng định. Nhận định, sản phẩm này không phải của Coca Cola nên tòa bác yêu cầu của nguyên đơn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nhà sản xuất phải có trách nhiệm chứng minh sản phẩm không có lỗi, nên tòa tuyên Coca Cola phải trả chi phí giám định khoảng trên 72 triệu đồng.

 
Sau khi phiên tòa kết thúc, luật sư Vũ Thái Hà (Công ty TNHH Luật YouMe) một trong những luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Minh cho biết: “Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân nói riêng và người tiêu dùng Việt Nam nói chung, nguyên đơn sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND quận Bắc Từ Liêm. Chúng tôi cũng đã thu thập được các chứng cứ quan trọng là các chai Splash có cùng ngày sản xuất và sẽ đề nghị TAND TP Hà Nội xem xét...”.