Kiếm bạc tỷ từ những dự án dở dang…

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cùng với cơn lốc đô thị hoá, Hà Nội đã có hàng trăm dự án bất động sản lớn được khai sinh. Tuy nhiên, số dự án triển khai lại chỉ được đếm trên đầu ngón tay, số còn lại “bất động”. Ấy vậy mà, vẫn có nhiều nhà đầu cơ kiếm được bạc tỉ từ dự án dở dang này.

KTĐT - Cùng với cơn lốc đô thị hoá, Hà Nội đã có hàng trăm dự án bất động sản lớn được khai sinh. Tuy nhiên, số dự án triển khai lại chỉ được đếm trên đầu ngón tay, số còn lại “bất động”. Ấy vậy mà, vẫn có nhiều nhà đầu cơ kiếm được bạc tỉ từ dự án dở dang này.

Đại công trường Hà Đông nóng bỏng với nhiều dự án lớn bám dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Trãi như khu đô thị mới An Hưng, Dương Nội, Văn Khê, Văn Phú, Văn Quán, Làng Việt Kiều Châu Âu, Parkcity, Vạn Phúc, Thanh Hà…

Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 32 với một chuỗi đô thị lớn như Dự án Splendora, khu đô thị Nam An Khánh, Geleximco, khu đô thị Đại Mỗ - Tây Mỗ, khu đô thị CEO Quốc Oai, Vân Canh, Tân Tây Đô, Kim Chung - Di Trạch…

Tại phía Đông, hiện tại đang có hàng loạt dự án bất động sản lớn hình thành như khu đô thị hiện đại Hanoi Garden City (rộng 31 ha), khu đô thị Ecopark (500 ha), khu đô thị mới Việt Hưng, Sài Đồng, Đặng Xá…

Huyện Đông Anh, Mê Linh phía Bắc cũng sôi động với  khoảng 20/40 dự án về nhà ở đã được phê duyệt quy hoạch  như khu đô thị Minh Giang Đầm Và, khu đô thị Tiền Phong, Phúc Việt, Hà Phong, Cienco 5 và River land, KĐT mới AIC, Chi Đông…
Dự án mọc lên như “nấm” sau mưa, thế nhưng rất nhiều công trình giậm chân tại chỗ mặc dù được phê duyệt từ nhiều năm. Điển hình, Dự án Splendora diện tích chiếm đất hơn 264 ha chính thức khởi công năm 2007 nhưng sau 3 năm mới tiến hành được giai đoạn 1. Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch cũng đang tiến hành thi công hạ tầng kỹ thuật, Nam An Khánh ngổn ngang vì đang làm hạ tầng, khu đô thị Geleximco có khu vực vẫn đang đền bù, GPMB…

Đất bỏ hoang, công trình “bất động” nhưng lượng giao dịch, mua bán đất liền kề, biệt thự tại các dự án này rất sôi động. Đại bộ phận nhiều nhà đầu tư giàu lên nhờ việc mua đi bán lại đống đất hoang.
Đơn cử như dự án Thanh Hà mới chỉ giải phóng mặt bằng một phần dự án, giá gốc đất biệt thự vào hợp đồng 15 triệu đồng/m2, trong khi giá giao dịch 25,5 triệu đồng/m2; đất liền kề giá gốc là 18 triệu đồng/m2, nhưng giá giao dịch lên tới 37 triệu đồng/m2.

Dự án Splendora giá gốc chào bán vài năm trước chỉ hơn 20 triệu nhưng mức chênh hiện tại khoảng 7-8 tỉ đồng/căn liền kề. Dự án Nam An Khánh giá gốc 10-12 triệu đồng/m2 nhưng giá bán thị trường 27-28 triệu đồng/m2. Hay như dự án Kim Chung – Di Trạch trên thị trường giá mỗi m2 dự án vẫn được dao bán 34-36 triệu đồng/m2…

Chính sự bất cập trong quản lý, quy hoạch đã dẫn đến tình trạng dự án dở dang. Đại diện doanh nghiệp bất động sản cho biết, hiện tại nguồn tiền đổ vào thị trường bất động sản khoảng 20 tỉ USD nhưng trị giá đầu tư dự án lên hàng trăm tỷ USD. Chủ đầu tư nếu xây dựng hoàn chỉnh dự án không đủ vốn, nếu làm thì dở dang do thiếu vốn. Thị trường sẽ không đủ sức hấp thụ hết khối lượng dự án khổng lồ như vậy.

“Để tránh tình trạng này, các cơ quan quản lý phải xem xét lại các vấn đề trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực. Cơ quan quản lý hoạch định các khu vực ưu tiên phát triển như từ vành đai 4 trở vào. Chỉ cho làm dự án trong phạm vi này và có chế tài bắt buộc chủ đầu tư hoàn chỉnh dự án để đưa vào sử dụng. Khi nào dự án phủ kín, mới tiếp tục phát triển tới khu khác. Khu vực nào chưa cần thiết phải làm nên để đất để cho dân cầy cấy, nếu không rất lãng phí.” vị này cho biết

Còn theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thị trường bất động sản đang phát triển theo tính tự phát, thiếu chiến lược, kế hoạch cụ thể. Thời gian qua, các nhà đầu tư mới chỉ tập trung xây dựng các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới để bán cho những người có thu nhập cao. Các dự án nhà ở để bán trả dần hoặc cho thuê dành cho các đối tượng có mức thu nhập thấp chưa được quan tâm đúng mức.

Nhu cầu hiện rất lớn nhưng thị trường nhà ở cho thuê chưa phát triển tương xứng. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp can thiệp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển đồng bộ với đa dạng các loại nhà ở để bán và cho thuê nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khuyến khích phát triển nhà chung cư phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại đô thị để góp phần tăng quỹ nhà ở. Đặc biệt phải biết tiết kiệm đất đai bằng cách tiến tới chấm dứt việc giao đất lẻ cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần