Bên cạnh thành tích vẫn là nỗi lo
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 7 tháng của năm 2013 thấy nhiều điểm đáng chú ý. CPI tháng 1, tháng 2 theo thông lệ thường cao hơn các thời gian khác trong năm. CPI từ tháng 3 đã giảm và tăng rất thấp, đến mức một số chuyên gia đã đề cập đến dấu hiệu của thiểu phát (ngược với lạm phát). Tuy CPI tháng 7 (tăng 0,27% so với tháng trước) có xu hướng cao lên, nhưng tính chung 7 tháng của năm nay chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2012, còn thấp hơn cùng kỳ từ năm 2011 trở về năm 2004.
Kết quả kiềm chế lạm phát như trên là một thành công, được xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Diễn biến qua 6 tháng của CPI là tín hiệu khả quan để cả năm có thể tăng không cao và như thế sẽ không lặp lại chu kỳ đã xảy ra trong 9 năm trước (hai năm tăng cao, một năm tăng thấp). Thành công này là một tin vui đối với người tiêu dùng, bởi lạm phát cao không khác gì là một loại thuế vô hình đánh vào thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của họ. CPI tăng thấp có nguyên nhân quan trọng do giá lương thực năm trước đã giảm sâu (giảm 5,66%), 7 tháng năm nay tiếp tục giảm (giảm 2,52%); giá thực phẩm năm trước tăng thấp (0,95%), sang năm nay chỉ tăng cao vào 2 tháng đầu năm, nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến nay. Trong khi đó, lương thực - thực phẩm là những mặt hàng thiết yếu nhất, chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 40%) trong tổng chi tiêu dùng. Thành công trên cũng tạo tiền đề cho các nhà hoạch định chính sách vĩ mô có dư địa để thực hiện các biện pháp nới lỏng tài khoá, tiền tệ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, có điều kiện khởi động thực hiện mạnh hơn các mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược…
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Big C. Ảnh: Trần Việt
Tuy nhiên, thành công trong kiềm chế lạm phát cũng giống như tấm huân chương có hai mặt. Mặt sau của tấm huân chương này là những hiệu ứng phụ của các giải pháp kiềm chế lạm phát. Việc thắt chặt tiền tệ từ những năm trước và được tiếp tục trong những tháng đầu năm nay đã làm cho tín dụng tăng thấp, việc tiếp cận vốn khó khăn, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục bị ngừng hoạt động, phá sản, phải thu hẹp sản xuất. Tăng trưởng sản xuất, kinh doanh chậm lại, xuất hiện sự trì trệ. Các điểm nghẽn lớn, phổ biến và kéo dài như nợ xấu, tồn kho, bất động sản vẫn tiếp tục và việc khắc phục chúng sẽ tốn nhiều chi phí, thời gian. Điểm đáng lưu ý quan trọng là nông dân, bên cạnh việc đóng góp tích cực cho công cuộc kiềm chế lạm phát, thì việc giảm và tăng thấp của giá lương thực, thực phẩm sẽ làm cho họ bị thiệt hại kép: Bán ra sản phẩm thì giá bị giảm, mua vào nguyên nhiên vật liệu để sản xuất và hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng thì giá lại tăng cao. Theo tính toán sơ bộ, nếu tính theo năm, giá lương thực thực phẩm giảm hoặc tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ chung, còn giá hàng hoá dịch vụ không phải lương thực, thực phẩm (kể cả ăn uống ngoài gia đình) vẫn tăng cao ở mức trên dưới 10%. Điểm đáng lưu ý nữa là công ăn việc làm của người lao động khó khăn khi thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với năm trước cả về số tuyệt đối, cả về tỷ lệ, cả ở thành thị và cả ở nông thôn.
Bám sát mục tiêu kép
Để khắc phục hiệu ứng phụ trên, cần quan tâm tới 4 điểm sau. Thứ nhất, vẫn phải kiên định và nhất quán với mục tiêu kiềm chế lạm phát, tránh tăng trưởng nóng, tránh chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác, bởi sẽ làm cho lạm phát cao trở lại. Thứ hai, nới lỏng tài khoá, tiền tệ là cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, nhưng hết sức chú ý đến liều lượng, thời gian và tác động cộng hưởng của các giải pháp đó. Tỷ giá đã ổn định trong thời gian dài, hiện đang có sức ép tăng lên. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng cả về liều lượng, cả về phương thức điều chỉnh, tránh để các nhà đầu tư (ngay cả các ngân hàng thương mại) gây sóng đầu cơ, làm tăng lạm phát do tăng chi phí đẩy, khuếch đại lạm phát, ảnh hưởng đến lòng tin vào đồng tiền quốc gia. Thứ ba, việc thực hiện lộ trình giá thị trường là cần thiết, đúng hướng, nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ, cẩn trọng về liều lượng và thời điểm điều chỉnh. Thứ tư, việc phát hành trái phiếu vay trong nước và tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, sử dụng nhiều lao động thì lạm phát không tăng cao, nhưng lại có tác động đến tăng trưởng.