Kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người: Khó đủ bề

Hải Lý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những chuyển biến tích cực từ mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) bữa cỗ tập trung đông người tại 4 quận, huyện (Thanh Oai, Phú Xuyên, Quốc Oai và Long Biên), Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình thêm 6 huyện khác của TP. Tuy nhiên, để mô hình đạt kết quả tốt nhất, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị chính quyền địa phương và người dân cùng vào cuộc.

Thay đổi nhận thức
Mỗi năm, trên địa bàn huyện Thanh Oai có trên 4.600 bữa cỗ tập trung đông người (mỗi bữa cỗ từ 60 - 800 người ăn) bao gồm cỗ cưới, cỗ hiếu, khao họ, liên hoan… 98% gia đình đều tự tổ chức đám cỗ. Trong 2 năm qua, huyện đã thí điểm mô hình hiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 10/21 xã.
 Ảnh minh họa
Lãnh đạo huyện Phú Xuyên cho biết, khó khăn khi triển khai mô hình là nhận thức của người dân về ATTP còn hạn chế. Vì vậy, việc thực hiện còn nhiều bất cập như nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ chưa đảm bảo, chưa phân khu riêng thức ăn sống, thức ăn chín…
Để cải thiện tình hình này, huyện đã thành lập tổ tư vấn giám sát tại các hộ gia đình, truyền thông về ATTP trên loa đài xã và truyền thông trực tiếp tại thôn. Sau khi tập huấn, tuyên truyền, yêu cầu người dân ký cam kết đảm bảo ATTP khi nấu cỗ. Thời gian đầu, nhiều người thực hiện kiểu đối phó, thậm chí có hộ gia đình còn phản đối ký cam kết. Nhưng dần dần, nhận thức của đa số người dân đã có nhiều chuyển biến, nhờ vậy, trong 2 năm thực hiện mô hình, trên địa bàn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Đề cập đến mô hình này, đại diện UBND xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai cho biết, 100% bữa cỗ tại địa phương đều do gia đình tự nấu, những người chế biến và phục vụ đều là hàng xóm, láng giềng và anh em đến làm giúp nên kiến thức ATTP còn hạn chế. “Các bữa cỗ ở địa phương thường ăn hai ngày nên cỗ thừa của ngày hôm nay vẫn để lại sử dụng cho ngày hôm sau. Thực phẩm nếu không được bảo quản đúng cách rất dễ gây ngộ độc. Vì vậy, chúng tôi tổ chức tuyên truyền kiến thức cho bà con hiểu và thực hành đúng quy định về ATTP” - vị này cho biết.

Lo ngại dịch vụ nấu cỗ lưu động

Theo bà Hoàng Thị Minh Thu – Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, hiện nay trong cộng đồng, các tiệc ma chay, hiếu hỉ, tổ chức các sự kiện đang diễn ra khá phổ biến, nhưng còn nhiều hạn chế trong kiểm soát ATTP. Các dịch vụ ăn uống tự phát, điều kiện vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo, sử dụng nguyên liệu chưa rõ ràng nguồn gốc. Trong khi đó, chủ hộ gia đình và những người tham gia trực tiếp làm cỗ chưa có kiến thức đầy đủ thực hành ATTP.

Ở các huyện ngoại thành, các bữa cỗ tập trung đông người hầu hết đều do gia đình tự nấu hoặc thuê đội nấu lưu động, cơ quan chức năng khó kiểm soát. Những đội nấu cỗ thuê thường đều làm “chui”, không đăng ký kinh doanh hành nghề, không có giấy khám sức khỏe định kỳ. “Đây là một khó khăn trong công tác quản lý. Nếu chẳng may xảy ra ngộ độc thực phẩm, sẽ rất khó khăn cho việc xác định nguyên nhân để có hướng xử lý” - bà Thu nhấn mạnh.

Là người trực tiếp quản lý ở địa phương, ông Đặng Văn Thủy – Phó trưởng Phòng Y tế huyện Phú xuyên cho biết, khó kiểm soát các đội nấu cỗ lưu động vì họ không đề biển hiệu. Hình thức nấu nướng lưu động, không có chỗ cụ thể, cơ sở chật hẹp, thường ở ngoài trời, che chắn tạm bợ, không phân từng khu chế biến riêng biệt. Nguồn gốc thực phẩm chưa được xác minh rõ ràng, nguồn nước đun nấu không đảm bảo. Khâu sơ chế, nấu nướng kéo dài, việc bảo quản không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.
Bên cạnh đó, đội ngũ trực tiếp nấu nướng, phục vụ thường làm việc theo mùa vụ, không có kiến thức, không được tập huấn, không được cấp giấy chứng nhận ATTP. “Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, giữa gia chủ và cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu cỗ thường chỉ thỏa thuận miệng về thực đơn, số mâm, giá cả chứ không cam kết đảm bảo ATTP” - ông Thủy nói.

Sẽ nhân rộng mô hình

Dù còn những khó khăn, trở ngại, nhưng theo đánh giá của Ban chỉ đạo ATTP TP Hà Nội, sau 2 năm triển khai thí điểm mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người, đến nay, công tác quản lý ATTP đã được nâng lên, chính quyền vào cuộc tích cực, nhận thức của người dân được nâng lên.
Trong năm 2017, các huyện thí điểm mô hình đã thành lập 34 tổ tư vấn giám sát và đã giám sát được 4.5165 bữa cỗ, trong đó 2.122 bữa cỗ đám cưới, 621 bữa cỗ đám ma, 753 bữa cỗ đám giỗ, 1.020 các bữa cỗ khác như tân gia, khao họ…

Tổ tư vấn giám sát các điều kiện ATTP tại nơi nấu cỗ, lưu mẫu thức ăn, vận động ký cam kết ATTP. Qua xét nghiệm, tỷ lệ mẫu đạt tiêu chuẩn ATTP là 93,2%, có 85,3% nguyên liệu thực phẩm được chứng nhận nguồn gốc rõ ràng, có ghi chép sổ sách, 100% phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Từ những thành công ban đầu của mô hình, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, năm 2018, Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình tại 30 xã thuộc 4 quận, huyện trên và nhân rộng thêm 6 huyện khác trên địa bàn. Đảm bảo 100% bữa cỗ tập trung đông người tại các xã triển khai thí điểm được kiểm soát ATTP.
Sở Y tế Hà Nội sẽ tham mưu tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền, cùng phối hợp trong công tác ATTP giữa Y tế và các ban, ngành, đoàn thể. Ông Chung cũng đề nghị các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nấu cỗ thực hiện các quy định ATTP, khắc phục những tồn tại, hạn chế về điều kiện vệ sinh. Đặc biệt, đảm bảo các hộ tổ chức bữa cỗ đông người phải đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm rõ ràng, có ghi chép sổ sách để truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Hiện các xã triển khai thí điểm mô hình đều ở ngoại thành, không có nguồn nước máy TP cung cấp mà chủ yếu dùng nước giếng khoan, một số gia đình không sử dụng hệ thống lọc.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát ATTP tại các cơ sở có bữa cỗ đông người, tuyền thông cộng đồng tại 30 xã thí điểm, vận động các gia đình sử dụng nước giếng khoan phải qua quy trình xử lý nhằm đảm bảo an toàn.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội
Để kiểm soát, quản lý được các cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu cỗ, không thể thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Đề nghị Chi cục ATVSTP Hà Nội tham mưu Sở Y tế, UBND TP về việc phân cấp trách nhiệm quản lý, đảm bảo ATTP trong các bữa cỗ tập trung đông người ăn.

Ông Đăng Văn Thủy, Phó trưởng Phòng Y tế huyện Phú Xuyên
Trước khi gia đình tôi tổ chức cỗ cưới cho con, Tổ giám sát ATTP của xã đã đến nhà tuyên truyền, hướng dẫn gia đình thực hiện các tiêu chí ATTP, từ khâu vệ sinh sạch sẽ, đến địa điểm chế biến, che chắn chống bụi, côn trùng. Trong ngày tổ chức đám cưới, tổ cũng đến giám sát việc bảo quản thức ăn chín trước khi bày ra mâm và yêu cầu lưu mẫu thức ăn tại gia đình. Tôi mong mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn để mọi người, mọi nhà hiểu đúng và thực hiện các quy định ATTP.

Ông Vũ Hoàng Hải, Thôn Khả Liễu, xã Phúc Tiến, Phú Xuyên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần