Kiểm soát chặt, ngăn dịch cúm gia cầm bùng phát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, dịch cúm gia cầm đã liên tục xuất hiện trở lại với một số ổ dịch ở các địa phương trên cả nước.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, nhiều chủng virus cúm gia cầm đang bùng phát, gây bệnh trên gia cầm và lây lan sang người, đang có nguy cơ lây lan, đe dọa tới ngành chăn nuôi và sức khỏe người dân trong nước.

 
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ vụ vận chuyển gà nhập lậu tại chân cầu Phù Đổng, Gia Lâm.     Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ vụ vận chuyển gà nhập lậu tại chân cầu Phù Đổng, Gia Lâm. Ảnh: Hoài Nam
Xuất hiện nhiều ổ dịch 
Theo thông tin chính thức từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 10/2, cả nước có tỉnh Bắc Ninh xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Thống kê sơ bộ cho thấy, dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã làm hơn 10.000 con gia cầm bị bệnh, ốm, chết và tiêu hủy. Ngoài ra, tại một số địa phương đã xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm nhỏ lẻ. Mới đây nhất, ngày 6/2, đàn gia cầm hơn 500 con của hộ ông Phùng Văn Nhân ở xóm 1, xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã có hiện tượng chết bất thường. Qua kiểm tra, Chi cục Thú y tỉnh kết luận số gia cầm này chết do mắc cúm A/H5N1. Trước đó, ngày 4/2, trên đàn vịt hơn 1.800 con của ông Trần Ngọc Liền, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã có 400 con bị chết không rõ nguyên nhân. Các ngành chức năng địa phương đã lấy mẫu và gửi Cơ quan Thú y vùng IV (Cục Thú y) xét nghiệm, kết quả cho thấy mẫu gia cầm trên dương tính với cúm A/H5N1. Sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ số gia cầm còn lại trong nhà ông Liền, đồng thời cấp hơn 40.000 liều vaccine tiêm bao vây ổ dịch trong vùng. Tại một số địa phương khác như: Tây Ninh, Cà Mau, Long An, Bình Phước... cũng xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm nhỏ lẻ.
Trong một diễn biến khác liên quan đến dịch cúm gia cầm trên người, GS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư xác nhận, thời gian vừa qua, Viện đã xét nghiệm rất nhiều các ca bệnh viêm phổi nặng nghi ngờ nhiễm virus cúm gia cầm. Ông Nguyễn Trần Hiển khuyến cáo, người dân tuyệt đối không kinh doanh, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm chết hàng loạt, cần báo với các cơ sở y tế và thông báo cho chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để hạn chế việc phơi nhiễm với các virus có trong gia cầm trong môi trường.
Trong khi đó, từ đầu năm 2014 đến nay, tại nhiều địa phương của Trung Quốc đã phát hiện virus cúm A/H7N9 và virus cúm A/H10N8 lây lan sang người. Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cảnh báo, các chủng virus cúm gia cầm như H7N9, H10N8 tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều đã thấy trên gia cầm từ vài năm trước đây nhưng đến nay mới lây nhiễm sang người. Theo đánh giá của Cục Thú y, nguy cơ các chủng virus này xâm nhập vào Việt Nam từ việc buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới vào nước ta, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc là rất cao. 

Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, trong những ngày áp Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng chức năng tại khu vực biên giới cũng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu gia cầm nhập lậu. Tại tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 15/12/2013 đến nay lực lượng chức năng đã bắt được 8 vụ buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu; thu giữ trên 480kg chim bồ câu, 5.200 con gà giống nhập lậu. Ngày 30/12/2013, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tà Lùng (tỉnh Cao Bằng) phát hiện, bắt giữ, tiêu hủy 280kg gà đông lạnh nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Đã ở mức báo động

Ngày 10/2, thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, số mắc cúm A/H7N9 ở Trung Quốc vẫn liên tiếp xảy ra và có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Bên cạnh đó, dịch cúm A/H7N9 cũng đã xuất hiện tại tỉnh Quảng Tây - khu vực giáp ranh biên giới tỉnh Lạng Sơn. Thêm vào đó, tại Trung Quốc đã có 2 trường hợp mắc cúm A/H8N10 đều do tiếp xúc với gia cầm. Ngoài ra, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã thông báo về trường hợp mắc cúm A/H6N1 đầu tiên ở người. Trước tình hình này, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, nguy cơ xuất hiện và bùng phát các chủng cúm trên người ở Việt Nam rất cao. 
 
Lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ vụ vận chuyển gà giống nhập lậu tại huyện Phú Xuyên
Lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ vụ vận chuyển gà giống nhập lậu tại huyện Phú Xuyên.
Theo ông Phu, hiện vẫn còn tình trạng người dân chăn nuôi vịt thả đồng và buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm sống không qua kiểm dịch, gia cầm ốm chết. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ cao làm lây truyền dịch bệnh cúm gia cầm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, do thời tiết đông xuân, nóng ấm là thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh nhất trong năm. Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo hạn chế việc đi lại và giao lưu thương mại nhưng đã có khuyến cáo khách du lịch đến khu vực có ổ dịch không nên tiếp xúc với gia cầm và đến các chợ bán gia cầm sống. Đồng thời WHO cũng đang tiếp tục theo dõi sự biến chủng của virus cúm gia cầm lây bệnh sang người và nguy cơ của sự biến chủng lây truyền từ người sang người. 

Tăng cường kiểm soát

Theo ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) vừa qua, Cục Thú y đã tiến hành lấy mẫu giám sát tình hình lưu hành virus cúm gia cầm tại 60 chợ bán gia cầm sống và 9 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc. Kết quả cho thấy chưa phát hiện virus cúm A/H7N9, tuy nhiên tỷ lệ lưu hành virus cúm A/H5N1 còn cao (hơn 8%). Theo ông Kỳ, nếu virus cúm gia cầm A/H7N9 xuất hiện ở Việt Nam sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống. "Từ năm 2003 đến nay, chỉ có chủng cúm A/H5N1 nhưng đã tốn rất nhiều kinh phí của Chính phủ hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch. Nay có thêm chủng virus mới thì kinh phí sẽ rất khó khăn" - ông Văn Đăng Kỳ chia sẻ.

Ông Văn Đăng Kỳ cũng lo ngại, hiện nay, giá gia cầm thải loại ở Trung Quốc chỉ khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều lần so với giá thịt gia cầm trong nước nên giới buôn lậu khó có thể bỏ qua "món hời" này. Do đó, Cục Thú y đề nghị chính quyền các địa phương tích cực triển khai các biện pháp, chủ động ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng virus cúm gia cầm vào nước ta. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Để tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm qua đường biên giới, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, TP tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H6N1 và cúm A/H5N1 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng, chỉ đạo các ban, ngành liên quan mở rộng việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus tại các bệnh viện, đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi về từ khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với gia cầm. Bên cạnh đó, liên Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT cũng đã có thông cáo chung xác nhận nguy cơ nhiễm cúm gia cầm cả trên người và trên gia cầm ở nước ta đều ở mức báo động tại thời điểm này.
 
lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh gia cầm tại chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) tháng 12/2013.Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh gia cầm tại chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) tháng 12/2013.Ảnh: Hoài Nam
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu UBND 13 tỉnh, TP phía Bắc, trong đó có Hà Nội tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật. Đồng thời triển khai có hiệu quả Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép theo Quyết định 2088/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương như bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường... phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, y tế nhằm triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan. Bộ NN&PTNT cũng đã xin Chính phủ cấp 40 triệu liều vaccine để phòng chống dịch cúm gia cầm.

Tại Hà Nội, nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, lực lượng QLTT Hà Nội đã đẩy mạnh việc phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ  các tuyến đường vận chuyển  gia cầm nhập lậu về Hà Nội tiêu thụ. Các đội QLTT cùng với đội QLTT huyện Phú Xuyên và Thường Tín tăng cường kiểm tra, xử lý việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu tại chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín), Đại Xuyên (Phú Xuyên), Hải Bối (Đông Anh) và các điểm tập kết gia cầm tại huyện Thai Oai cũng như các chợ đầu mối kinh doanh thực phẩm, kho chứa đông lạnh. Số liệu của Chi cục QLTT Hà Nội cho thấy, trong năm trong năm 2013, QLTT Hà Nội đã tịch thu, tiêu hủy gần 12 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng gia cầm nhập lậu.

Bà Nguyễn Thị Như Mai - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, lực lượng QLTT Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trọng đó chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển kinh doanh, giết mổ gia cầm nhập lậu theo Quyết định 2088 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó góp phần ngăn chặn dịch cúm gia cầm xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

 
"Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu gia cầm qua biên giới, Cục QLTT đã có công điện yêu cầu chi cục QLTT trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng… đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra ngăn chặn và bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu gia cầm qua biên giới. Riêng với chi cục QLTT các tỉnh nội biên tăng cường kiểm tra thị trường nhất là các chợ đầu mối kinh doanh gia cầm, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường." - Ông Trịnh Văn Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần