70 năm giải phóng Thủ đô

Kiểm soát gà nhập lậu: Không chỉ quản phần "ngọn"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau một thời gian ngắn im ắng, gần đây tình hình nhập lậu gia cầm loại thải và gia cầm giống vào nước ta, đặc biệt là tại Hà Nội lại "nóng" trở lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) về vấn đề này.

 Ông Trọng cho biết, sau khi có Công điện 1108/CĐ-TTg ngày 31/7 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xâm nhập và lây lan nguồn dịch cúm gia cầm từ các nước qua con đường nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm, các địa phương đồng loạt ra quân nên tình hình cơ bản lắng xuống. Tuy nhiên sau đó, khi các cơ quan chức năng lơi tay, tình hình nhập lậu lại tiếp tục "nóng" lên. Nguyên nhân do nhập lậu gia cầm mang lại siêu lợi nhuận. Chẳng hạn, gà thải loại của Trung Quốc bán với giá 15.000 đồng/kg nhưng về tới Việt Nam bán 70.000 - 75.000 đồng/kg, cao gấp 5 lần. Ngoài ra, từ giữa tháng 9, giá thực phẩm tăng, người chăn nuôi vào đàn nhiều phục vụ cho thị trường Tết nên nhu cầu con giống cao, trong khi các cơ sở sản xuất giống của Nhà nước và địa phương không đáp ứng đủ. Bởi vậy, tái diễn tình trạng nhập lậu giống gia cầm.
 
Kiểm soát gà nhập lậu: Không chỉ quản phần "ngọn" - Ảnh 1
Đội quản lý thị trường số 4, Hà Nội đưa gà nhập lậu đi tiêu hủy. Ảnh: Trần Việt
 
Thưa ông, việc nhập lậu gia cầm gây ảnh hưởng thế nào đối với ngành chăn nuôi và người tiêu dùng nước ta?
 
- Việc nhập lậu gây ra hai nguy cơ lớn cho ngành chăn nuôi. Thứ nhất, ảnh hưởng đến kinh tế của người chăn nuôi. Nhập lậu khiến cho giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp. Thứ hai, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn gia cầm. Ngoài ra, đối với sản phẩm gà loại thải nhập lậu cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi gà loại thải được nuôi hơn 1 năm, có thể tích trữ, tồn dư nhiều kháng sinh và một số thuốc thú y. Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao người Trung Quốc không ăn loại gà đó?
 
Từ trước đến nay, việc kiểm soát gia cầm nhập lậu thường được các ngành, các địa phương đổ lỗi cho nhau. Vậy theo ông, để kiểm soát tốt hơn tình hình này, cần có biện pháp gì?
 
- Để kiểm soát được, không thể một địa phương hay một cơ quan, ban, ngành nào có thể làm được mà phải có sự phối hợp liên ngành, liên địa phương. Đặc biệt là những địa phương được tập kết sản phẩm về và các địa phương vùng biên giới, cửa khẩu phải kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, gia cầm nhập lậu được đưa về trong nước chủ yếu qua hai cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Tân Thanh (Lạng Sơn), ngoài ra còn một số cửa khẩu khác nhưng số lượng không nhiều. Hà Nội là nơi tiêu thụ nhiều sản phẩm chăn nuôi và con giống gia cầm. Đây cũng là điểm trung chuyển gia cầm nhập lậu để đưa vào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Vì vậy, ngoài nỗ lực kiểm soát phần "ngọn" của Hà Nội thì quan trọng hơn, chúng ta phải kiểm soát tận gốc từ các vùng biên giới và các tỉnh trên tuyến đường vận chuyển như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình. Hiện nay, Cục Chăn nuôi cũng chỉ đạo các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới thực hiện tốt Công điện 1108 của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Thời gian qua, dư luận băn khoăn về việc gà đông lạnh từ nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc, dù hàm lượng dinh dưỡng thấp nhưng vẫn được phép nhập khẩu vào nước ta. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
 
- Hiện nay, nhiều hàng rào kỹ thuật khi nhập khẩu thực phẩm, nhất là thực phẩm đông lạnh (như gà đông lạnh của Hàn Quốc) chưa chặt chẽ, cần phải bổ sung. Chúng ta chưa có quy định về hàm lượng chất dinh dưỡng cũng như thời hạn sử dụng. Trong khi đó, thực phẩm đông lạnh còn thời hạn sử dụng ngắn ở nước ngoài được bán với giá rất rẻ nên nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhập ồ ạt về Việt Nam. Tuy nhiên, về đến nước ta phải qua các cửa khẩu, cảng rồi vận chuyển tới các tỉnh, thành phố nên chưa chắc đã tiêu thụ hết ngay số thực phẩm đó đúng thời hạn sử dụng. Đấy là chưa kể, một bộ phận thương lái đã gian lận bằng cách thay đổi thời hạn sử dụng, và hậu quả là chính người tiêu dùng trong nước phải gánh chịu. Tôi cho rằng, thời gian tới chúng ta phải có quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này.
 
- Xin cảm ơn ông!