Kiểm soát lạm phát dưới 4% vẫn là thách thức

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cầu yếu do Covid-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao. Song, theo Tổng cục Thống kê, áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm vẫn rất lớn.

Giữa bão giá nguyên liệu, vì sao CPI 6 tháng vẫn thấp nhất 5 năm?

Tổng cục Thống kê đã công bố CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021, theo đó CPI tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Cụ thể, CPI 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước giai đoạn 2016 - 2020 tăng lần lượt là: 1,72%; 4,15%; 3,29%; 2,64% và 4,19%.

“Nguyên nhân làm giảm CPI trong 6 tháng đầu năm là do các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,39% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm. Trong đó, giá thịt lợn giảm 4,15%, giá thịt gà giảm 2,04%” - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh cho biết.

Cùng với đó, việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II (bắt đầu giảm từ tháng 5/2020) và quý IV/2020 (được thực hiện vào tháng 1/2021). Theo đó, giá điện sinh hoạt bình quân 6 tháng đầu năm 2021 giảm 3,06% so với cùng kỳ 2020, tác động làm CPI giảm 0,1 điểm phần trăm…

 Ảnh minh họa.

Trong khi đó, những nguyên nhân chủ yếu làm CPI 6 tháng đầu năm tăng là: Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 10 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.440 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.250 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.740 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 6 tháng đầu năm tăng 17,01%, làm CPI chung tăng 0,61 điểm phần trăm.

Cùng với đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. 6 tháng đầu năm, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 4 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 6 tháng giá gas tăng 16,51% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ giáo dục 6 tháng tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Nguyễn Thu Oanh, CPI 6 tháng đầu năm tăng 1,47%, thấp nhất so với cùng kỳ kể từ 2016 đến nay, đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để Việt Nam kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu khoảng 4% theo yêu cầu của Quốc hội, tuy nhiên cũng không nên chủ quan. Vì CPI đang có xu hướng tăng dần, cụ thể CPI tháng 1/2021 giảm 0,97% nhưng tính chung quý I/2021 đã tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước và quý II tiếp tục tăng 2,67% so với quý II năm 2020.

Theo đó, áp lực lạm phát sẽ theo xu hướng tăng dần cho đến cuối năm, đặc biệt khi giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới cũng như giá sản xuất trong nước hiện nay đang tăng cao. 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng hơn 4,7%, đây là mức tăng của 6 tháng cao nhất kể từ năm 2013, điều này cũng tạo áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm.

Ổn định lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

Để giảm áp lực lạm phát năm 2021 và kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, Tổng cục Thống kê kiến nghị: Các bộ, ngành, địa phương nên chủ động thực hiện những giải pháp đảm bảo cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường giá cả, nhất là những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu thời gian qua có diễn biến nhanh, giá dầu thô bình quân 6 tháng đầu năm đã đạt 65 USD 1 thùng, tăng 29,5% so với tháng 1/2020, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm 2020. Giá dầu thế giới tăng nhanh đã tác động đến giá dầu trong nước, khiến từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh 10 lần và 6 tháng đầu năm đã tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, tác động vào CPI 6 tháng là tăng 0,61 điểm phần trăm. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước nhập khẩu nhiều xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước, nên giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân, đồng thời tác động đến giá cả của nhiều mặt hàng khác.

Đặc biệt theo bà Nguyễn Thu Oanh, hiện giá dầu giao dịch trên thế giới 75 USD/ thùng, nếu bình quân 6 tháng cuối năm giá dầu cũng ở mức 75 USD/ thùng thì cả năm 2021 sẽ tăng 70% so với 2020 và có thể tác động đến giá xăng dầu trong nước. Vì vậy, đối với mặt hàng xăng dầu, Tổng cục Thống kê kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế.

Dự báo CPI cuối năm, các chuyên gia đưa ra 2 kịch bản cho CPI năm 2021. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính nhận định, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm tăng ở mức 6,8 - 7% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ ở khoảng 3,3 - 3,5%. Tuy nhiên, nếu kinh tế tăng trưởng ở mức 7,0 - 7,4% thì khả năng lạm phát sẽ ở mức 3,8 - 4,0%. 

Còn theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, tổng cầu yếu do Covid-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao.

“Mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được” - ông Nguyễn Đức Độ nhận định và tính toán nếu tốc độ tăng giá được duy trì trong thời gian còn lại của năm mỗi tháng khoảng 0,27%, thì lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12/2021, đồng thời lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 2,12%. Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2021 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.

Cục Quản lý giá dự báo, về mặt con số thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn, nên CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, có thể thấy, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4%, vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, năm 2021 giá cả một số mặt hàng rất khó đoán định. Một số yếu tố tác động bất lợi đến tình hình giá cả như nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, có yếu tố tăng, có giảm nhưng diễn biến rất bất thường. Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao dưới mức 4%, Cục Quản lý giá sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu chiến lược trên thế giới, tính toán, dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất, kinh doanh nhằm có các biện pháp cần đối cung - cầu, giá cả kịp thời trong trường hợp tiếp tục có các biển động mạnh. 

"Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ phối hợp NHNN tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiếm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản; có các giải pháp điều tiết nhằm tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng “sốt” giá, “thổi” giá" - Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. 

Từ nay tới cuối năm, các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến giá cả cung cầu các mặt hàng thiết yếu; không tăng giá đồng thời các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam cần điều hành tốt giá một số mặt hàng sắt thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, dịch vụ y tế, đất đai, bất động sản; cần chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến. (Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương - TS Lê Quốc Phương)

Trong điều kiện khó khăn về giãn cách xã hội, đứt gãy chuỗi cũng ứng, hàng loạt chi phí gia tăng, nhưng những con số tích cực CPI 6 tháng mới vui 80%, còn lại 20% vẫn còn vấn đề. Giá cả hàng hóa, ở thị trường nội địa, có những thời điểm, có những mặt hàng giá cao vô lý. Bước sang quý 3, kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do độ mở của nền kinh tế khá cao, trong bối cảnh nhiều quốc gia tiếp tục nới lỏng tiền tệ... (Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội)