70 năm giải phóng Thủ đô

Kiểm soát lạm phát trước nhiều thách thức

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay đã được đề ra là dưới 4%. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn là rất lớn. Giới chuyên môn dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ nằm trong khoảng 4 - 4,5%...

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,48% so với tháng 12/2021. Nếu so với tháng 5/2021, chỉ số CPI hiện tại cao hơn tới 2,86%. Hàng loạt mặt hàng tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân phải “cân đo đong đếm” để thắt chặt chi tiêu gia đình. Còn DN cũng phải gồng mình chịu trận.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Vinmart trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Vinmart trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Chi phí đẩy khiến CPI tăng mạnh

Giá xăng, dầu trong nước tăng cao cùng giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu là nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI tăng mạnh từ cuối năm 2021 đến nay.

Cụ thể, trong tháng 5, các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu tăng lần lượt 5,93% và 3,99% khiến CPI của nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,34%. Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,74% do nhu cầu đi lại, nghỉ dưỡng của người dân quay trở lại. Nhóm đồ uống, thuốc lá hay các mặt hàng lương thực cũng có sự điều chỉnh về giá do nguyên liệu đầu vào, vận chuyển tăng... Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và chỉ 1 nhóm hàng giảm giá.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5/2022, tăng 0,29% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng, dầu.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 10 lần xăng tăng giá. Trong đó, ở lần điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng đã có lần tăng thứ 4 liên tiếp, vượt mức 30.000 đồng/lít, qua đó tiếp tục lập kỷ lục mới trong nhiều năm qua.

“Lạm phát tăng không đến từ việc mở rộng chính sách tiền tệ. Bởi hiện nay, các gói kích thích kinh tế của chúng ta chưa giải ngân nhiều, mà lạm phát đã tăng. Như vậy, lạm phát tăng không phải do kích cầu, mà do chi phí đẩy” - Chuyên gia Ngô Trí Long nhận xét. Hàng loạt mặt hàng tăng giá khiến sức mua thấp, khả năng chi tiêu thực tế thấp. Con số CPI hiện còn thấp so với thực tế.

Người dân chật vật

Thực tế, người dân phải mua thực phẩm, xăng, dầu, ăn uống tăng hàng chục % so với trước! Bà Lê Thị Thu chủ một sạp kinh doanh các loại thực phẩm, gia vị ở chợ Phùng Khoang cho hay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng 1,5 đến 2 lần. Trong khi nhiều loại thực phẩm như: Gạo, thủy hải sản, rau củ quả… cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới từ đầu tháng 5 đến nay.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, Hoàng Mai, Hà Nội lo lắng: "Tiền lương công nhân của cả hai vợ chồng hàng tháng chỉ được khoảng 12 triệu đồng. Vừa phải nuôi bố mẹ già ở quê và hai con ăn học, rồi tiền thuê trọ. Giờ cái gì cũng tăng khiến cuộc sống của chúng tôi đã khó khăn càng khó khăn hơn”. Chị cho biết, sẽ cắt giảm những khoản tiêu dùng "chưa cần gấp", chỉ chi tiêu cho nhóm hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và số lượng mua cũng bị cắt giảm mạnh.

Không chỉ người tiêu dùng, các tiểu thương, DN đều bị ảnh hưởng . “Trước đây chi phí xăng xe đi lại mỗi ngày chỉ hết hơn 100.000 đồng, thì nay phải chi đến 180.000 đồng. Kinh doanh hàng hóa cũng ngày một khó hơn do giá cao, người dân thắt chặt chi tiêu nên lượng bán ra rất chậm, ngày nào lượng hàng tồn nhiều coi như mất lãi, thậm chí còn lỗ” - ông Trần Văn Đạt, kinh doanh thực phẩm tại chợ Phùng Khoang cho biết. Đại diện Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chia sẻ, một số đơn vị cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công ty đã thông báo kế hoạch tăng giá dao động từ 10 - 20%.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, giá xăng tăng tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Lạm phát tăng cao, đồng nghĩa chi ngân sách tăng, chi đầu tư công sẽ tăng, đồng thời gây áp lực tới lãi suất trong nước.

Áp lực lạm phát lớn, kiểm soát ngay giá xăng, dầu

Mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay đã được đề ra là dưới 4%. Tuy nhiên áp lực lạm phát vẫn là rất lớn. Giới chuyên môn dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ nằm trong khoảng 4 - 4,5%. “Tuy nhiên, nếu không có các biệt pháp kiềm chế đặc biệt thì lạm phát sẽ vượt qua 5% thậm chí 6%” - PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhận định.

Sáng 30/5, dầu Brent tiếp tục tăng, tiến tới mức 120 USD/thùng. Giá xăng trong nước ở kỳ điều chỉnh ngày 1/6 tới dự kiến tăng thêm từ 350 - 850 đồng/lít, khiến giá xăng RON 95 có khả năng vượt 31.000 đồng/lít. Và tình hình sẽ thay đổi nhanh trong những tuần tới khi giá xăng, dầu tiếp tục tác động trực tiếp lên giá nhiều mặt hàng thiết yếu và chưa có dấu hiệu dừng. Theo tính toán, nếu giá xăng, dầu tăng 10% sẽ làm lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng giảm 0,5 điểm phần trăm. Lúc này rất cần đến quyết sách của Nhà nước can thiệp vào thị trường xăng, dầu.

Từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% nhưng theo các chuyên gia, vẫn như "muối bỏ bể" trước đà tăng giá thế giới. Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nhà điều hành cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng, dầu và các loại thuế, phí. Cách để giữ giá của mặt hàng chiến lược này là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT. Cũng có thể cân nhắc giảm thuế nhập khẩu.

“Khi giá dầu thế giới chững lại, chúng ta có thể áp dụng trở lại như bình thường”- ông Lâm nói và nhận định, việc giảm thuế đối với xăng, dầu không làm giảm thu ngân sách Nhà nước mà chỉ thay đổi cơ cấu thu.

Câu chuyện giá xăng, dầu cũng được bàn thảo nhiều tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Theo đó, giá xăng, dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022. Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cần đặc biệt chú ý về nguy cơ lạm phát từ bên ngoài, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Ngoài các phương án giảm thêm thuế, các chuyên gia góp ý, Chính phủ cần có phương án dự trữ, giải pháp và chiến lược "rất đặc biệt với mặt hàng xăng, dầu", nhất là tăng dự trữ xăng, dầu quốc gia và làm tốt hơn dự báo để tránh rơi vào thế bị động về nguồn cung. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, DN kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng, dầu.

“Bởi khi giá xăng, dầu tăng, nhiều mặt hàng chịu áp lực đẩy của giá xăng, dầu, nhưng cũng có mặt hàng tăng giá kiểu “té nước theo mưa.” - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

 

Việc giảm được giá xăng, dầu và giữ được lạm phát thấp, đồng thời kích thích nền kinh tế thì có thể kéo theo nguồn thu khác ngoài thu từ xăng, dầu và vẫn đảm bảo mục tiêu thu ngân sách của Nhà nước.

TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội, Bộ KH&ĐT

 

 

Thời gian qua, nhiều nước đã ban hành các chính sách để hạ nhiệt giá xăng, dầu. Chẳng hạn, Hà Lan đã giảm 12% thuế VAT xuống còn 9%; giảm 21% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu. Ngoài ra, Hà Lan còn tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 Euro lên 800 Euro. Tại Hàn Quốc, thuế với xăng, dầu diesel và LPG giảm 20% trong 6 tháng. Thái Lan giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng, sử dụng Quỹ dầu để bình ổn mặt hàng này ở mức 30 baht/lít...