Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Loại kim truyền để trong người bệnh nhân vài ngày phải khác với loại kim truyền trong vài tiếng nên chính các cán bộ bảo hiểm tại các bệnh viện cũng cần hiểu rõ hơn về y khoa để phục vụ công tác giám định...

Đây là ý kiến của đại diện Viện Huyết học Truyền máu T.Ư trong góp ý kiểm soát quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công văn số 4456/UBND-KGVX của UBND TP Hà Nội và triển khai các giải pháp giảm nợ BHXH, kiểm soát quỹ BHYT trên địa bàn TP do BHXH TP Hà Nội tổ chức.
Công văn 4456/UBND-KGVX nhằm thực hiện ý kiến kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với BHXH TP Hà Nội ngày 8/8/2017.
Người dân kê thai thủ tục tham gia BHYT tại BHXH quận Thanh Xuân.
Theo đại diện Viện Huyết học Truyền máu T.Ư, để kiểm soát quỹ BHYT cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan bảo hiểm và cơ sở y tế. Từ kinh nghiệm tại viện, vị đại diện này đưa 2 vấn đề lớn để kiểm soát quỹ BHYT. Thứ nhất, các cơ sở y tế cần xây dựng danh mục thuốc một cách hợp lý. Thứ hai, các bệnh viện cần chú trọng đến Dược lâm sàng. “Viện Huyết học Truyền máu T.Ư đang tiến tới xây dựng mỗi một khoa có 1 dược sĩ lâm sàng để kiểm soát vấn đề kê thuốc, điều này vừa góp phần kiểm soát tình trạng lạm dụng kê đơn để trục lợi quỹ BHYT vừa góp phần kiểm soát tình trạng kháng thuốc hiện nay”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, hiện tỷ lệ bao phủ BHYT trên toàn TP đạt 83,6% (vượt 0,8% so với chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ và UBND TP giao). Tuy nhiên, tổng chi quỹ BHYT 9 tháng đầu năm ở Hà Nội khoảng 10.925 tỷ đồng, tăng 34,3% so với 9 tháng năm 2016. So sánh với dự toán chi của BHXH Việt Nam giao, số chi 9 tháng của thẻ do BHXH TP Hà Nội phát hành đã chiếm 81,7%. BHXH TP đã tổ chức thẩm định chi phí KCB BHYT 9 tháng đầu năm tại 19 bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện. Sau thẩm định dự kiến từ chối thanh toán 29,7 tỷ đồng.
Qua thẩm định hồ sơ bệnh án tại các cơ sở KCB BHYT, các lý do từ chối thanh toán chủ yếu bao gồm: Sai sót về thủ tục hành chính (không thực hiện đúng quy chế bệnh viện tại Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT), chỉ định DVKT không theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc không đúng các quy trình chuyên môn kỹ thuật, kéo dài ngày điều trị nội trú hoặc thanh toán tiền giường nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu, thanh toán các vật tư y tế không đúng định mức Bộ Y tế quy định.
Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Đàm Thị Hòa báo cáo tại hội nghị
Về vấn đề thu nợ bảo hiểm, tính đến hết tháng 11/2017, trên toàn TP vẫn còn gần 37.000 DN nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hơn 2,800 tỷ đồng, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ cho khoảng 750.000 người lao động. Trong số này chưa tính 760 tỷ tiền nợ của các DN đã ngừng giao dịch, bỏ trốn, mất tích. Mặc dù tỷ lệ nợ của Hà Nội đến thời điểm này giảm 25,2% so với năm trước nhưng vẫn là địa phương “đứng đầu” cả nước về số nợ BHXH, BHYT, BHTN.
Từ 15/8 đến 31/10, BHXH TP đã phối hợp với liên ngành với Liên đoàn Lao động TP, Sở LĐTB&XH và cơ quan thuế thực hiện đợt cao điểm công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ với các DN có số nợ lớn. Qua đó, nhiều DN đã chủ động thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền nợ.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa kêu gọi các sở ngành và UBND các quận, huyện cùng phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm trong vấn đề giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN. Đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN khi tham gia BHYT, BHXH. Đặc biệt, trong việc kiểm soát quỹ BHYT, ông Nguyễn Đức Hòa mong muốn ngành y tế sẽ luôn đồng hành với cơ quan bảo hiểm, các bệnh viện nâng cao trách nhiệm trong sử dụng quỹ BHYT một cách hợp lý mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.