Phát biểu ngay sau vụ việc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không giấu nổi nỗi buồn và sự thất vọng bởi đây là lần thứ 15, ông phải đưa ra một tuyên bố về các vụ bạo lực liên quan đến súng đạn. Ông Obama đã nhiều lần kêu gọi các nhà làm luật ban hành các quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế tình trạng sở hữu và sử dụng súng đạn tràn lan, nhưng nỗ lực này của Tổng thống vẫn chưa được đền đáp.
Sự thất vọng của Tổng thống Obama khi lần thứ 15 trong năm nay phải phát ngôn chính thức về vụ xả súng.
|
Nhấn mạnh thực trạng hầu như mỗi tháng đều xảy ra các vụ xả súng, ông Obama bày tỏ mong muốn không bao giờ phải nói lời chia buồn tương tự trong phần còn lại của nhiệm kỳ. Nhưng bản thân ông cũng nghi ngờ về mong muốn này, bởi những lời chia buồn sẽ là không đủ, quan trọng hơn phải có một “lựa chọn chính trị” nhằm kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn.
Các cuộc tranh luận về sở hữu súng đạn đã nổ ra tại Mỹ từ năm 2013 và hơn 2 năm, cuộc tranh luận này vẫn là chủ đề nóng khi thảm kịch lại tái diễn tại Charleston, Chattanooga, Lafayette, Roanoke và bây giờ là tại Đại học Cộng đồng Umpqua với 10 người thiệt mạng và 20 người bị thương.
Báo Kinh tế & Đô thị xin trích đăng ý kiến của các chuyên gia, học giả, nhà bình luận nổi tiếng của Mỹ về kiểm soát súng đạn, vấn đề đang được coi là nhiệm vụ bất khả thi của ông Obama và các Tổng thống kế tiếp.
|
GS Julian Zelizer, ĐH Princeton: Sức mạnh áp đảo của “con buôn” vũ khí
Tại sao dự luật cải cách về sở hữu súng đạn lại thất bại? Tại sao người Mỹ không làm gì để kiểm soát súng ngoài việc bày tỏ sự phẫn nộ mỗi khi xảy ra một vụ thảm sát nào đó?
Như Tổng thống Obama đã tuyên bố, câu trả lời rõ ràng và chính xác nhất cho vấn đề gây bức xúc này là sức mạnh áp đảo của các “con buôn” vũ khí. Họ đã thực hiện một trong những cuộc vận động hành lang phức tạp nhất nước Mỹ từ trước đến nay để đảm bảo dự luật không được thông qua.
Các tập đoàn sản xuất, kinh doanh vũ khí đứng sau Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) đã viện dẫn từ “tự do” được quy định trong hiến pháp để bảo trợ cho quyền sở hữu vũ khí, đồng thời thực hiện một chiến dịch tài trợ lớn nhằm huy động sự ủng hộ đủ lớn của một bộ phận cử tri để bác bỏ dự luật.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014, NRA đã chi 12 triệu USD để hỗ trợ chiến dịch tranh cử vào Quốc hội. Việc có tới 95% ứng viên do NRA hậu thuẫn giành chiến thắng đã phần nào lý giải nguyên nhân vì sao bất cứ khi nào dự luật siết chặt sở hữu súng đạn được chính phủ đệ trình lên Quốc hội đều nhanh chóng bị gạt bỏ.
|
Carol Costello - Biên tập viên chương trình “Newsroom” của CNN: Quá dễ để mua và dùng súng
Theo luật liên bang, chỉ cần điền xong đơn muốn mua và sử dụng súng. Tùy vào dòng súng muốn mua, thời gian để thẩm tra lý lịch sẽ mất một vài ngày trước khi súng tới tay người sử dụng. Thậm chí tại một số tiểu bang, điều kiện để sở hữu một khẩu súng còn dễ dàng hơn nhiều. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân vì sao đã có hơn 100 trẻ em thiệt mạng vì các vụ nổ súng không chủ ý từ tháng 12/2012 – 12/2013. Tính đến 27/7/2015, đã có 1.056 vụ nổ súng không chủ ý.
Mọi người đều phải vượt qua bài kiểm tra trình độ lái xe trước khi được cấp bằng, vậy tại sao chúng ta không yêu cầu những người có nhu cầu phải vượt qua một bài kiểm tra tương tự trước khi được cấp giấy phép sở hữu và sử dụng súng?
|
GS Daniel Webster - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Johns Hopkins: Mỗi ngày có 30 vụ bạo lực liên quan đến súng đạn
Tại một quốc gia có tỷ lệ giết người cao hơn mức trung bình của các nước đang phát triển tới 7 lần, cảm xúc đau buồn, phẫn nộ của người Mỹ mỗi khi xảy ra một vụ xả súng dường như trở nên vô nghĩa. Hầu như chưa có một giải pháp cụ thể nào được đưa ra để ngăn chặn thảm kịch, ngoài việc chấp nhận chứng kiến khoảng 11.000 vụ giết người mỗi năm vì súng đạn, khiến gần 300.000 người thiệt mạng. Tính trung bình, mỗi ngày xảy ra 30 vụ.
Khi bang Connecticut thông qua đạo luật yêu cầu tất cả người mua súng phải có giấy phép từ cơ quan thực thi pháp luật địa phương sau khi đã hoàn thành khóa học và vượt qua bài kiểm tra sát hạch, số vụ giết người bằng súng đã giảm tới 40%. Ngược lại, khi bang Missouri bãi bỏ một đạo luật tương tự vào năm 2007, tỷ lệ giết người bằng súng đạn đã tăng 25%.
|
GS David Perry, ĐH Dominican: Bóng ma ám ảnh giảng đường
Thật khó để che giấu nỗi xúc động và sự sợ hãi khi quay trở về với các bài giảng của mình sau vụ GS sử học Ethan Schmidt của ĐH Delta State bị một đồng nghiệp bắn chết hôm 14/9. Một quốc gia đã không làm gì sau vụ 20 trẻ em của trường Sandy Hook bị giết chết trong một vụ xả súng chắc chắn sẽ không làm gì sau sự ra đi của một GS đơn lẻ. Đó là hệ quả tất yếu của một xã hội có quá nhiều súng đạn mà không hề có bất kỳ tiến trình chính trị nào để thông qua biện pháp khắc phục. Vì thế, tôi cũng không dám hy vọng vụ việc của GS Ethan Schmidt có thể khiến các nhà chức trách hành động, biến trường học và giảng đường thành một nơi an toàn hơn.