Kiểm soát và phục hồi

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần quản lý rủi ro và đẩy mạnh phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...

Dây chuyền lắp ráp xe tại nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng. Ảnh: An Nhi
Thực tế, sau hơn 3 tuần thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế - xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9... Tháng 10 đã xuất siêu trở lại sau nhiều tháng nhập siêu, đầu tư nước ngoài tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp đang phục hồi. So với tháng 9, số DN thành lập mới tháng 10 tăng 111%, DN quay trở lại hoạt động tăng 29,8%.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm phát do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thị trường quốc tế, chỉ số lạm phát ở nhiều nước tăng mạnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công thấp; một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi... Đặc biệt dịch Covid-19 vẫn luôn tiềm ẩn, diễn biến khó lường.

Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: "Không có lựa chọn hoàn hảo mà chỉ có lựa chọn tối ưu" và sự tối ưu được chứng minh qua thực tiễn. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: "Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch". Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta đã thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách "zero Covid", đồng thời thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, rút kinh nghiệm và mở rộng dần.

Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công. Từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng "hộ chiếu vaccine". Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu vực sản xuất trọng điểm. Tăng cường đối thoại, tiếp tục rà soát các vướng mắc về thể chế, pháp luật để kịp thời tháo gỡ; thực hiện hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Những việc cần làm trong tháng 11, 12, hai tháng quan trọng đối với phục hồi kinh tế, bảo đảm tăng trưởng, an sinh xã hội. Mặc dù còn rất khó khăn nhưng đây cũng là thời gian Chính phủ chuẩn bị những đề án, nội dung quan trọng để báo cáo các cấp có thẩm quyền, như tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn từ nay đến năm 2025, về tăng trưởng xanh, hoàn thiện chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình hồi phục kinh tế năm 2022 -2023… Cộng đồng DN đánh giá cao tiềm năng, khát vọng và các mục tiêu phát triển của Việt Nam. Trong hành trình này, không thể thiếu sự chung sức, đồng lòng của người dân, DN trong và ngoài nước, tin tưởng chia sẻ với quyết tâm của Chính phủ. Đặc biệt, khi dịch bệnh qua đi, sẽ có rất nhiều cơ hội dành cho những DN chuẩn bị tốt, chủ động thay đổi thích nghi với trạng thái bình thường mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần