Kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính hơn 101 nghìn tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 5 năm (2011-2015), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền...

Kinhtedothi - Trong 5 năm (2011-2015), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của Kiểm toán nhà nước (184.486 tỷ đồng). Đó là con số được Kiểm toán Nhà nước đưa ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45 ngày 24/2.

Dự thảo báo cáo Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2011-2015 cũng điểm ra một số kết quả kiểm toán nổi bật, đồng thời đây cũng là những "khuyết điểm" của các đơn vị được kiểm toán như: Công tác lập, giao dự toán thu ngân sách hàng năm chưa sát thực tế; tình trạng bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; chi quản lý hành chính còn lớn trong tổng chi ngân sách địa phương do biên chế trong bộ máy lớn, nhiều nơi vượt cao so với biên chế được giao.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cơ cấu chi chưa đổi mới theo sự phát triển của cơ chế thị trường... Việc chấp hành các quy định về kê khai, nộp thuế, thu phí, lệ phí tại hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ; việc hạch toán thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, nghĩa vụ nộp NSNN còn xảy ra phổ biến....

Công tác miễn, giảm, giãn, hoàn, xóa nợ thuế và chống thất thu ngân sách đối với hoạt động chuyển giá; công tác quản lý thu từ hoạt động tạm nhập, tái xuất; việc ban hành giá thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất, miễn, giảm, gia hạn nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh đơn giá thuê đất sau thời gian ổn định... cũng còn khá nhiều bất cập. 

Trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, một số địa phương hụt thu nhưng không rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định; ngân sách còn khó khăn nhưng bổ sung ngoài dự toán một số khoản chi không thực sự cấp bách; sử dụng sai nguồn kinh phí, cho vay, tạm ứng sai quy định, kéo dài nhiều năm còn xảy ra tại hầu hết các địa phương được kiểm toán.

Quá trình quản lý chi đầu tư phát triển còn nhiều tồn tại từ khâu xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư đến nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành; xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT còn bất hợp lý; nợ đọng XDCB cao...

Ngoài ra, qua kiểm toán tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, thuế và các khoản phải nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng nhằm phản ánh đúng thực trạng tài chính của các đơn vị...

Tổng hợp kết quả kiểm toán trong nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã kiến nghị xử lý tài chính 101.037 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản (13 nghị định, 52 thông tư, 01 chỉ thị, 112 quyết định, 15 nghị quyết, 67 công văn, 100 văn bản khác). 

Tuy nhiên, con số Kiểm toán Nhà nước đưa ra cũng thể hiện, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán từ năm 2011 đến năm 2014 cho thấy, các đơn vị được kiểm toán mới thực hiện được 65% kiến nghị xử lý tài chính hợp lý.

Về kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ văn bản, các đơn vị được kiểm toán đã sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế 146 văn bản (8 nghị định, 36 thông tư, 8 nghị quyết, 46 quyết định, 33 công văn, 15 văn bản khác) và nhiều văn bản khác đang được các đơn vị tổ chức thực hiện.

Đánh giá cao những kết quả Kiểm toán Nhà nước đã làm được, nhưng các ý kiến tại UBTV Quốc hội cho rằng, kiểm toán hoạt động đã được tăng cường nhưng còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước hàng năm chưa cao do một số kết luận còn chưa sát với thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên dẫn đến có những kiến nghị của kiểm toán không được thực hiện do các đơn vị, địa phương được kiểm toán chưa nhất trí với kết quả kiểm toán. Đặc biệt, kết quả kiểm toán 5 năm gần đây kiến nghị xử lý tài chính lớn, nhưng vẫn chưa góp phần tích cực cho hoạt động cho việc phát hiện, phòng chống tham nhũng như kỳ vọng của Quốc hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần