Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa quyết định thành lập Tổ công tác về tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới.
Tổ công tác sẽ do lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam làm Tổ trưởng, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới làm Tổ phó và mời đại diện Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải địa phương tham gia khi thực hiện kiểm tra, rà soát tại đơn vị đăng kiểm.
Cụ thể, từ ngày 1/1 đến 31/12/2023, Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, rà soát hoạt động của các đơn vị đăng kiểm trên phạm vi toàn quốc, gồm: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị; điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định.
Cùng với đó, rà soát và đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế, quy định để khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nhận diện từng khâu, vị trí công việc tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực và giải pháp phòng ngừa.
Nội dung kiểm tra, rà soát gồm: hồ sơ về điều kiện hoạt động của đơn vị đăng kiểm; điều kiện nhân sự; công tác tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên; trang thiết bị và việc thực hiện kiểm định xe cơ giới; hoạt động quản lý, sử dụng và lưu trữ dữ liệu kiểm định.
Công tác thu, nộp và quản lý, sử dụng phí bảo trì đường bộ; quản lý, sử dụng phôi ấn chỉ đăng kiểm được cấp phát; các nội dung khác thuộc chức, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tổ công tác xem xét, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới theo quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP; trường hợp vượt thẩm quyền thì ghi nhận vào biên bản và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Việc lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát tổng thể hoạt động kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc triển khai xuyên suốt trong năm 2023 được đánh giá là biện pháp quan trọng trong việc siết chặt quản lý đối với hoạt động các trung tâm đăng kiểm.
Đây là hành động cần thiết và cần được thực hiện quyết liệt nhằm đảm bảo công tác kiểm định minh bạch, khách quan, nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, tránh tiêu cực, nhũng nhiễu…
Trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện, triệt phá đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác tại 9 trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp.
Theo cơ quan điều tra, để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động, Giám đốc các trung tâm đăng kiểm trên đã nhận "lót tay" rồi chỉ đạo Phó Giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng... bỏ qua các vi phạm của xe tới đăng kiểm, như lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải... của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Cơ quan điều tra xác định, tất cả phương tiện được bỏ qua lỗi vi phạm đều do "cò mồi" đưa đến kiểm định, hối lộ tiền, từ đó các trung tâm thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.