Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm tra tài sản khoảng 1.000 lãnh đạo: Gương mẫu cho cấp dưới học tập

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Về quy định kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 cán bộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhận định các cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý càng phải gương mẫu cho cấp dưới học tập.

Các nước tiến hành công cuộc này hàng chục năm, còn ta đang từ bước thấp là kê khai dần dần đến các bước kiểm soát qua tài khoản, qua thu nhập, tiền lương...

Khi kiểm soát được thì chống tham nhũng bớt khó khăn. Việc kê khai, kiểm tra, xác minh... đều tiến tới để kiểm soát, minh bạch tài sản.

“Tôi cho rằng hoạt động đó là tốt, dù là cấp TƯ hay địa phương; đối tượng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hay ở địa phương đều là tốt. Tất cả bước tiến trong kê khai, công khai minh bạch, xác minh, kiểm tra tài sản đều là dấu hiệu tốt cho quá trình phòng chống tham nhũng”, ông Quyền nói và cho rằng như vậy khi có dấu hiệu thuộc các trường hợp này thì việc tiến hành xác minh thuận lợi.

Không ít cán bộ TƯ quản lý rất muốn làm

Hạn chế lâu nay là ở khâu thực hiện, nhất là thời gian gần đây có nhiều sự việc thấy có dấu hiệu vi phạm nhưng khi vào thanh tra, kiểm tra thường thấy “đúng quy trình”?

 Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: Phạm Hải

Mình không cầu toàn được. Xác minh tài sản rất khó khăn, nhưng không phải cứ khó khăn là mình không làm.

Khó khăn thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tổng kết cái gì được và chưa được, khó khăn điểm nào, nguyên nhân ra sao, từ đó thực hiện tốt hơn.

Do đó, theo tôi việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra quy định như vậy vừa đúng với tinh thần luật Phòng chống tham nhũng, vừa biểu hiện tính gương mẫu tiên phong của cấp lãnh đạo quản lý.

Các đồng chí thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì càng phải gương mẫu, tiên phong cho cấp dưới học tập. Qua rút kinh nghiệm mình có thể nhân rộng làm ở tất cả các cấp.

Bộ Chính trị ra chỉ đạo như vậy là có bước đi thận trọng, làm ở đối tượng có phạm vi không phải là quá rộng, trên cơ sở đó vừa làm vừa rút kinh nghiệm và dần hoàn thiện để nhân rộng.

Những người chân chính, liêm khiết cũng cảm thấy được người dân tôn trọng. Tôi nghĩ không ít cán bộ thuộc TƯ quản lý, hay như hàm Phó chủ nhiệm UB, tương đương rất muốn làm việc này vì các anh ấy quá nghèo.

Như chúng tôi thì muốn làm lắm để người ta biết được cuộc sống và thu nhập của chủ nhiệm, phó chủ nhiệm một UB ở QH như thế nào.

Một trong nhũng nút thắt làm chậm quá trình điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng hiện nay là việc khó xác minh nguồn gốc tài sản bất hợp pháp. Vậy theo ông việc này có hỗ trợ, thúc đẩy các vụ án tham nhũng được tiến hành kịp thời?

Việc kiểm tra kịp thời và tiến hành công khai minh bạch có tác dụng tốt. Còn nếu mình cứ kéo dài, như các vụ án tham nhũng kéo dài có thể xử đúng nhưng làm nản lòng dư luận.

Việc này cũng trả lại công bằng cho cán bộ lâu nay bị đánh đồng chung rằng “cán bộ các ông thế nọ thế kia” nhưng biết đâu nhiều cán bộ có thu nhập bình thường.

Hồi làm Phó chủ nhiệm UB Tư pháp lương 14 triệu, tôi đi giảng dạy thêm, viết bài trên tạp chí khoa học, trên báo, nghiên cứu để có thêm thu nhập.

Do đó bước kiểm tra này là tốt. Cái gì khó khăn thì cũng phải bắt đầu làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có thể chưa hài lòng với kết quả ban đầu đạt được nhưng mình có kinh nghiệm trong bước tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế.

Không làm thì người dân vẫn cứ dư luận và không có thêm kinh nghiệm trong việc này, cũng không thể hoàn thiện thể chế chính sách, đảm bảo cho công cuộc chống tham nhũng hiệu quả hơn.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Làm trong sạch đội ngũ

Việc đưa vào chương trình giám sát 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là quyết định quan trọng để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng làm trong sạch đội ngũ cán bộ nắm vị trí trọng trách lớn nhất.

Đây là bước mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng, làm với tất cả những người đứng đầu, đặc biệt những trường hợp có sự tố cáo, dư luận về vi phạm đạo đức, pháp luật, có thể tham nhũng.

Nếu đã làm được với đội ngũ cán bộ cao cấp nhất thì đội ngũ cán bộ khác làm là câu chuyện bình thường. Cho nên đây là tuyên ngôn quan trọng đối với nhân dân, đảng viên về thái độ của Đảng đối với việc chống tiêu cự, tham nhũng.

Tổng bí thư đã phát biểu là không có vùng cấm. Nhốt các tiêu cực tham nhũng vào lồng pháp luật chính là ở chỗ này.

Tôi mong Đảng đã đề ra thì quyết tâm làm đến cùng. Vừa để giữ được uy tín cán bộ nhưng phải xử lý được những cán bộ sai phạm, làm cho đến cùng và xử lý một cách nghiêm khắc. Đồng thời phải công khai cho nhân dân biết Đảng đã xử lý đến đâu, làm những gì.