Lâm Đồng:

Kiểm tra, xác định hành vi vi phạm môi trường của Công ty DaLat Hasfarm

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/7, Sở Tài TN&MT tỉnh Lâm Đồng có giấy mời gửi đại diện Sở KH&ĐT, Sở Tư pháp, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Lâm Hà, về việc kiểm tra, xác định hành vi vi phạm hành chính của Công ty TNHH DaLat Hasfarm.

Theo đó, thực hiện Văn bản 6187/UBND-MT ngày 18/7/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc kiểm tra, rà soát hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH DaLat Hasfarm (Công ty DaLat Hasfarm). Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng có mời đại diện: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tư pháp; Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Lâm Hà đến tham gia cuộc họp tại Sở TN&MT về vấn đề trên vào ngày 21/7/2023.

Cụ thể, Sở TN&MT cho biết, nội dung cuộc họp sẽ xem xét lại việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, kiểm tra lại ý kiến của Công ty DaLat Hasfarm về quy trình cấp phép môi trường nhằm đánh giá nguyên nhân dẫn đến vi phạm hành vi hành chính của Công ty DaLat Hasfarm.

Đồng thời, Sở TN&MT cũng đề nghị các đơn vị được mời chuẩn bị tài liệu, chứng cứ liên quan đến dự án đầu tư và tham dự đầy đủ.

Toàn cảnh nông trại Dalat Hasfarm tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng
Toàn cảnh nông trại Dalat Hasfarm tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng

Trước đó, ngày 18/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Lâm Hà xem xét lại việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, kiểm tra lại ý kiến của Công ty Dalat Hasfarm về quy trình cấp phép môi trường nhằm đánh giá nguyên nhân dẫn đến vi phạm hành chính của doanh nghiệp này. Từ đó, xác định có hay không có hành vi vi phạm hành chính trong “tình thế cấp thiết" hoặc do "sự kiện bất khả kháng”.

Trường hợp sau khi xem xét xác minh Công ty Dalat Hasfarm có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo thời hạn theo khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, tính toán mức phạt tiền căn cứ điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính để tham mưu đảm bảo đúng theo quy định.

Liên quan đến vụ việc, ngày 4/7, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đã có ý kiến về việc xử lý vi phạm hành chính của Công ty DaLat Hasfarm.

Theo đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã nhận được công văn số 1350/DLHE-CV ngày 22/6/2023 của Công ty Dalat Hasfarm (hội viên của Hiệp hội), giải trình Biên bản vi phạm hành chính về pháp luật bảo vệ môi trường. Sau khi xem xét công văn và hồ sơ gửi kèm, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng nhận thấy hành vi tiến hành triển khai dự án, san ủi mặt bằng, lắp dựng nhà kính khi chưa được cấp Giấy phép môi trường là không đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Do vậy, việc cơ quan chức năng lập Biên bản vi phạm hành chính về pháp luật bảo vệ môi trường là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy vậy, để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền lợi cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Hiệp hội Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh xem xét, về mặt khách quan, Công ty DaLat Hasfarm đã chủ động lập và nộp các hồ sơ pháp lý liên quan đến việc xin thuê đất và phê duyệt hồ sơ môi trường như đề nghị bổ sung kế hoạch sử dụng đất, nộp hồ sơ xin thuê đất, hợp đồng lập hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường ..., nhưng do Kế hoạch sử dụng đất của huyện Lâm Hà chậm được phê duyệt, pháp luật và các hướng dẫn về môi trường thay đổi quá nhanh, trong khi phần hoạt động ổn định của dự án đang thực hiện theo các quy định của Luật Môi trường năm 2014 và đã được cấp Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định nhưng nay lại phải chuyển đổi toàn bộ để thực hiện theo Luật năm 2020 và 2022.... Do vậy, các hồ sơ này bị đình trệ và bị sửa đổi nhiều lần dẫn đến việc không thể hoàn thành các hồ sơ pháp lý theo tiến độ triển khai dự án đã được phê duyệt.

Đồng thời, về mặt chủ quan, để lập hồ sơ xin mở rộng dự án đầu tư, Công ty Dalat Hasfarm đã tiến hành những bước chuẩn bị cần thiết về tài chính, kế hoạch triển khai, thị trường (vốn đầu tư, đặt sản xuất, nhập khẩu, chuẩn bị mặt bằng và lắp dựng nhà kính; ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; xuống giống theo lịch canh tác ...) nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án. Do vậy, bất cứ sự chậm trễ nào trong toàn bộ kế hoạch triển khai dự án đều sẽ dẫn đến những thiệt hại nặng nề về tài chính, cũng như uy tín của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, Công ty Dalat Hasfarm cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án đầu tư nhưng không nhận được phản hồi.

Chiều ngày 20/7, trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Bảo - Phó tổng Giám đốc Dalat Hasfarm cho biết, mặc dù Giấy chứng nhận đầu tư thông báo về tiến độ đầu tư chặt chẽ từ năm 2022 – 2033. Tuy nhiên, vì tỉnh Lâm Đồng đến nay vẫn chưa phê duyệt được kế hoạch sử dụng đất năm 2023, nên toàn bộ hồ sơ và giấy tờ mà Dalat Hasfarm nộp lên đều bi “treo” lại”.

“Trước đó công ty đã nhập nhà kính, chuẩn bị mặt bằng để làm nhà kính nhưng UBND tỉnh yêu cầu dừng lại để chờ quy hoạch. Vì vậy, hiện chúng tôi đã dừng lại tất cả các công đoạn thực hiện dự án” - Phó tổng Giám đốc Dalat Hasfarm chia sẻ.