Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên Giang: 177 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 6/11, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2660/QĐ-UBND về việc công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kiên Giang lần thứ VII năm 2023.

Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 177 “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh lần thứ VII năm 2023". Các sản phẩm được công nhận thuộc nhóm ngành gồm: Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí và nhóm sản phẩm khác.

Kiên Giang vừa công nhận 177 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2023. Ảnh Hữu Tuấn
Kiên Giang vừa công nhận 177 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2023. Ảnh Hữu Tuấn

Trong đó, nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ có 24 sản phẩm, bộ sản phẩm; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm có 138 sản phẩm, bộ sản phẩm; nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí có 4 sản phẩm, bộ sản phẩm; nhóm sản phẩm khác có 11 sản phẩm, bộ sản phẩm.

Mỗi sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh được tặng thưởng 2 triệu đồng, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 theo Quyết định số 1881/QĐ-UBND, ngày 1/8/2022 của UBND tỉnh Kiên Giang và Công văn số 1470/UBND-KT, ngày 19/8/2022 của UBND tỉnh Kiên Giang.

Bên cạnh đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận, cấp giấy chứng nhận được phép in hoặc dán nhãn logo của Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm được công nhận. Được cung cấp thông tin, tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước; tư vấn lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Đồng thời, được ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương để đào tạo nghề, truyền nghề; nâng cao năng lực quản lý; xây dựng chiến lược kinh doanh, marketing; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm; tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu; xây dựng trang thông tin điện tử (website) của cơ sở và các nội dung ưu tiên, hỗ trợ khác để phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP.

Ngoài ra, các cơ sở công nghiệp nông thôn được đăng tải thông tin giới thiệu về sản phẩm trên các phương tiện thông tin ở địa phương và Trung ương.