Kiên Giang đứng đầu cả nước về tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức sơ kết công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) 6 tháng đầu năm 2022, gắn với đối thoại về giải pháp ngăn chặn có hiệu quả tàu cá khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài.

Theo báo cáo, ngay từ đầu năm các sở, ngành và chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động ngư dân cũng như triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm chủ tàu, thuyền trưởng cố tình đưa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các sở, ngành của tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 60 trường hợp với số tiền thu nộp Ngân sách Nhà nước gần 5 tỷ đồng.

Qua theo dõi hệ thống giám sát tàu cá, các lực lượng chức năng đã thực hiện nhắc nhở 169 tàu cá quay về vùng biển Việt Nam; thực hiện 9.722 cuộc gọi đối với 1.598 tàu cá mất kết nối trên biển, theo đó đã có 1.452 tàu bật lại thiết bị VMS kết nối lại với hệ thống giám sát, đồng thời, thực hiện 1.975 cuộc gọi đối với 803 tàu cá mất kết nối trong bờ.

Tàu cá tại Kiên Giang.
Tàu cá tại Kiên Giang.

Mặc dù tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng tình trạng tàu cá vi phạm vẫn còn diễn ra. Theo thông tin từ các bộ, ngành và lực lượng chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 31 tàu cá của ngư dân Kiên Giang có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Kiên Giang cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Kiên Giang vẫn là tỉnh đứng đầu cả nước về số vụ và số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến nỗ lực gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC).

Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh cho rằng, giải pháp trước mắt để ngăn chặn tình trạng này là nhà nước, cơ quan thường trực, các địa phương, hội nghề cá, chủ tàu, ngư phủ phải hình thành chuỗi đồng hành, cùng nhận thức bảo vệ quyền lợi chung của quốc gia trong nỗ lực gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh) tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC để có chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời, chuẩn bị tốt nội dung, kịch bản đón và làm việc với đoàn thanh tra EC về chống khai thác IUU. Sơ kết Nghị quyết số 34 của Tỉnh ủy về tăng cường các giải pháp quản lý ngăn chặn, chấm dứt tàu và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật.

Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất/nhập trạm, kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo giấy tờ theo quy định. Đặc biệt là kiểm tra chặt chẽ thiết bị giám sát hành trình tàu cá phải được niêm phong theo đúng quy định và đảm bảo trạng thái hoạt động trước khi tàu cá xuất, nhập trạm. Đồng thời có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp cố tình né tránh không qua trạm kiểm soát biên phòng.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị các đơn vị, lực lượng chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng, Chi cục Kiểm ngư vùng 5…) tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển nhất là vùng giáp ranh, vùng chồng lấn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Mở đợt cao điểm từ nay đến cuối năm 2022, bố trí thêm phương tiện tuần tra dọc biên giới biển nhằm ngăn chặn tàu cá Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Đọc tiếp