Kiên Giang: Huy động tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị và Nhân dân để phòng chống Covid-19

Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 13/9, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã triển khai hàng loạt biện pháp cấp bách, quyết tâm cao độ nhằm đẩy lùi dịch Covid-19. Ông Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang đã có những chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị.

  1. PV: Tại cuộc họp ngày 13/9, Thủ tướng đã chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Để khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung chính nào?  
  1. - Ông Mai Văn Huỳnh: Chúng tôi tiếp tục quán triệt nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19. Chấn chỉnh và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc cộng đồng để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, triệt để cách ly F1 nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Tăng cường chỉ đạo quyết liệt việc dập dịch trong từng phạm vi, khu vực nhỏ nhanh nhất, tránh lây lan nhanh. Bảo vệ chặt "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ", tiến tới kiểm soát đẩy lùi dịch bệnh. Tỉnh đang có phương án bảo vệ "vùng xanh" đến từng khu phố, ấp.
  2. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo tốt việc thu dung, điều trị hiệu quả bệnh nhân Covid-19, hạn chế tối đa tử vong. Phát huy vai trò của Tổ y tế lưu động để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân tại nhà khi có yêu cầu. Đồng thời triển khai thí điểm thực hiện chủ trương cách ly F1 tại nhà. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu cách ly tập trung, thu dung điều trị của tỉnh và tại các địa phương để chủ động, ổn định trong tổ chức cách ly tập trung, điều trị.
  3. Duy trì hoạt động các chốt kiểm soát liên ngành tại cửa ngõ ra vào tỉnh để kiểm soát người đến, trở về địa phương từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố và nội bộ trong tỉnh; thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, phục vụ hiệu quả các phương án phong tỏa, giãn cách theo quy định. Tăng cường công tác chốt chặn, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ toàn bộ tuyến biên giới trên bộ và trên biển, không để dịch bệnh thâm nhập từ nước ngoài vào tỉnh và khu vực; kiểm soát chặt chẽ người từ các tỉnh, thành phố trở về tỉnh.
  4. Ông Mai Văn Huỳnh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang. 
  5. Xin ông nói rõ những công việc cụ thể trong phòng chống dịch bệnh từ nay đến ngày 20/9, và đâu là mục tiêu phải thực hiện?
  1. - Ông Mai Văn Huỳnh: Mục tiêu đề ra là phấn đấu đến ngày 20/9/2021, sẽ chuyển hóa "vùng nguy cơ cao", "rất cao" thành "vùng bình thường mới", không còn ca nhiễm trong cộng đồng, kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn tỉnh.
  2. Để đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc, cụ thể như sau: Tiếp tục áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối với 9 huyện, thành phố gồm: U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Kiên Hải và thành phố Phú Quốc; Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với 6 huyện, thành phố gồm: Rạch Giá, Hà Tiên, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, bắt đầu từ ngày 14 đến hết ngày 20/9/2021.
  3. Huy động tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị và nhân dân, phát huy vai trò Tổ Covid-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch tại cơ sở, địa bàn dân cư. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, cấp ủy viên, cùng với lãnh đạo phường đảm nhận từng khu vực phong tỏa, bảo vệ thật nghiêm ngặt các địa điểm này, với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”, dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi khu vực làm lây lan dịch sang địa bàn khác.
  4. Chấn chỉnh và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc cộng đồng để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, triệt để cách ly F1 nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Phải huy động cả hệ thống chính trị dồn sức cho công tác lấy mẫu xét nghiệm, phân công cán bộ phụ trách cụ thể từng công việc, từng khu vực, đảm bảo việc xét nghiệm sàng lọc phải chặt chẽ, đúng quy trình, an toàn, nhất quyết không để bỏ sót người, sót hộ, làm phát sinh nguồn lây mới… Với tổng chi phí khoảng 128 tỷ đồng.
  5. Để thực hiện việc này, chúng tôi lên kế hoạch sử dụng tổng lực lượng tham gia lấy mẫu lên đến 7.137 người. Do nguồn nhân lực tỉnh chỉ đáp ứng được 2.532 người, nên cần huy động 4.605 người từ các tỉnh, thành trong vùng hỗ trợ. Hôm qua (16/9) đã có 600 sinh viên trường Đại học Y dược Cần Thơ và 30 cán bộ giảng viên, thanh niên tình nguyện đến từ Thành đoàn Cần Thơ đã về đến Kiên Giang hỗ trợ phòng chống dịch.
  6. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, tiếp tục phân loại mức độ dịch của từng phường, xã, triển khai kế hoạch bảo vệ thật chắc các phường, xã “vùng xanh”; từng bước chuyển phường “vùng vàng”, “vùng cam” thành “vùng xanh”; cô lập được các “vùng đỏ”.
  7. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các huyện, thành phố, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải sâu sát, năng động, linh hoạt, quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Nơi nào thực hiện chưa tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, tổ chức rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay những hạn chế, yếu kém; đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân chủ quan, lơi là, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
  8. Đoàn cán bộ, sinh viên từ Cần Thơ đến hỗ trợ Kiên Giang phòng chống dịch. Ảnh: Trương Hòa 
  9. Vậy những giải pháp nào để đảm bảo an sinh xã hội khi việc giãn cách xã hội còn tiếp tục?
  1. - Ông Mai Văn Huỳnh: Chúng tôi tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng. Tiếp tục rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ, không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn và giảm tối đa các thủ tục hành chính để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, người lao động ổn định cuộc sống.
  2. Đẩy mạnh tuyên truyền mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ, đồng hành, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực hưởng ứng tham gia phòng chống dịch, vì sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng; huy động mọi nguồn lực của xã hội cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
  3. Chỉ đạo tốt việc tổ chức thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông, thủy sản cho người dân. Thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đầu cơ, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây hoang mang trong dư luận.
  4. Đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa... Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; tiếp tục vận động các nguồn lực, kịp thời chăm lo cho người dân, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.
  5. Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần