Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên Giang: Nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế

Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 22/8, Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (2020-2025). Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng.

Đã có nhiều chỉ tiêu vượt Nghị quyết Đại hội đề ra

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là Đại dịch Covid-19 nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng.

Đến nay, trong 27 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, có 6/27 chỉ tiêu vượt, 14/27 chỉ tiêu đạt từ 50% trở lên. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo. Đã hoàn thành nhiệm vụ cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trên tất cả các lĩnh vực; tổ chức, học tập quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và đại hội đảng bộ các cấp, các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy với nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, tạo lan tỏa sâu rộng. Chú trọng nhiều hơn việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế; thực hiện khá tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, quan tâm phát triển đảng viên.

TP Rạch Giá (tỉnh KIên Giang) sẽ công bố lên đô thị loại I vào cuối năm nay. Ảnh VP Rạch Giá cung cấp
TP Rạch Giá (tỉnh KIên Giang) sẽ công bố lên đô thị loại I vào cuối năm nay. Ảnh VP Rạch Giá cung cấp

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp tiếp tục nâng lên; tập trung huy động, đầu tư khai thác, phát huy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, nhất là nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ; quan tâm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và đạt được một số kết quả tích cực.

Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; công tác giáo dục-đào tạo, văn hóa, y tế, phòng chống dịch, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách được thực hiện tốt hơn. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, chủ quyền, biên giới quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại được mở rộng, hiệu quả nâng lên. Thực hiện các khâu đột phá đạt được một số kết quả tích cực.

Nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế

Kinh tế tiếp tục phát triển, nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong tình hình nhiều khó khăn, biến động; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 5,29%/năm (Nghị quyết đề ra bình quân 5 năm đạt 7,24%/năm trở lên). Quy mô nền kinh tế tăng mạnh (năm 2020 đạt 98.880 tỷ đồng, ước đến cuối năm 2023 đạt 129.637 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người, từ 2.473 USD năm 2020, ước đến cuối năm 2023 tăng lên 3.106 USD và đến cuối nhiệm kỳ đạt khoảng 3.878 USD (Nghị quyết đề ra đến năm 2025 đạt khoảng 3.485 USD).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông-lâm-thủy sản giảm từ 41,71% năm 2020 còn 36,78% vào năm 2023 (Nghị quyết 25,2%); công nghiệp-xây dựng tăng từ 20,11% lên 20,44% (Nghị quyết 19,8%); dịch vụ tăng từ 32,57% lên 37,89% (Nghị quyết 49,4%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm từ 5,61% xuống 4,89% (Nghị quyết 5,6%). Các tiềm năng, lợi thế trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, du lịch... đang đà phục hồi, phát triển sau dịch Covid-19.

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2023 ước tăng 1,2%/năm (Nghị quyết đề ra bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 1,76%/năm). Tập trung chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tác động của hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé, triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh chuyển dịch từ trồng lúa 1 vụ năng suất thấp, sang nuôi trồng thủy sản, phát triển mô hình lúa-tôm; chuyển từ đất chuyên trồng lúa sang tôm-lúa và trồng cây hằng năm; chuyển diện tích lúa vụ Mùa (tôm-lúa) sang chuyên nuôi thủy sản. Chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm ngày càng nhiều và mang lại hiệu quả. Sản lượng lương thực bình quân 4,4 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 97,32%. Nhiều mô hình luân canh, sản xuất kinh doanh tổng hợp trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tỉnh KIên Giang trong 2 năm qua đạt 2.017.944 tấn. Ảnh Đào Chánh
Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tỉnh KIên Giang trong 2 năm qua đạt 2.017.944 tấn. Ảnh Đào Chánh

Đã hình thành một số vùng nuôi tôm quảng canh, thâm canh-bán thâm canh, công nghiệp-bán công nghiệp, tôm-lúa, tôm-lúa-xen cua, nuôi cá ven các đảo, nuôi các loài nhuyễn thể,... mang lại hiệu quả. Tổ chức lại khai thác hải sản theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển quốc gia; tăng cường chống khai thác hải sản IUU.

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 2.017.944 tấn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển; bước đầu hình thành các trang trại trong chăn nuôi (toàn tỉnh có 87 trang trại). Quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 11,93% (Nghị quyết 11%).

Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng ven biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống Nhân dân; quy hoạch hệ thống cảng biển; phát huy tiềm năng về biển...

Đến cuối tháng 6 năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút 805 dự án, với tổng vốn đăng ký 390.360 tỷ đồng; nhiều dự án, công trình lớn thúc đẩy phát triển kinh tế đã hoàn thành đưa vào sử dụng; xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Đến cuối tháng 6 năm 2023, toàn tỉnh Kiên Giang đã thu hút 805 dự án, với tổng vốn đăng ký 390.360 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Cáp treo trên quần đảo An Thới, Phú Quốc. Ảnh Sun Group cung cấp.
Đến cuối tháng 6 năm 2023, toàn tỉnh Kiên Giang đã thu hút 805 dự án, với tổng vốn đăng ký 390.360 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Cáp treo trên quần đảo An Thới, Phú Quốc. Ảnh Sun Group cung cấp.

Xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 108/116 xã, 05/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (có 05 xã nông thôn mới nâng cao); đang trình Hội đồng Trung ương xét công nhận thêm 02 huyệnđạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Công nghiệp-xây dựng tiếp tục phát triển, bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 8,26%/năm (Nghị quyết đề ra bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 8%/năm). Duy trì phát triển ổn định công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Các cơ sở sản xuất công nghiệp từng bước được đầu tư, mở rộng; tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án cấp điện quốc gia phục vụ nhân dân trên đảo, nâng tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,67% (Nghị quyết 99%).

Tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội từ năm 2021 ước đến cuốn năm 2023 đạt 121.445 tỷ đồng, đạt 45,46%. Đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện, nước, trường học, y tế, phát triển hạ tầng các đô thị...

Phú Quốc đóng góp hơn 43% tổng thu ngân sách tỉnh

Lãnh đạo xây dựng các đề án theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch đô thị. Triển khai thực hiện chương trình phát triển các đô thị động lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, An Biên và Giồng Riềng), đến nay tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,6% (Nghị quyết đề ra 41,45%).

Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 11,33%/năm (Nghị quyết đề ra bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 10%/năm). Chỉ đạo tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý các trường hợp vi phạm. Chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển du lịch sau dịch Covid-19; tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, triển khai thực hiện các đề án phát triển du lịch. Từ năm 2021 ước đến cuối năm 2023, thu hút trên 15,2 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 16,97%/năm, trong đó khách quốc tế 534.598 lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt 23.968 tỷ đồng, tăng bình quân 18,23%/năm.

Thu ngân sách từ năm 2021 ước đến cuối năm 2023 được 35.653 tỷ đồng, đạt 48,41% (Nghị quyết đề ra giai đoạn 2021-2025 đạt 73.645 tỷ đồng). Đến nay, TP Phú Quốc thu hút 312 dự án đầu tư, với vốn đăng ký 383.789 tỷ đồng, nhiều công trình dự án lớn có ý nghĩa hoàn thành và đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả; du lịch phát triển mạnh, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 19 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 68,7% doanh thu du lịch của tỉnh; thu ngân sách tăng cao qua các năm, đóng góp hơn 43% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.