Kiên Giang sẽ đầu tư nhiều khu xử lý rác thải

Hồng Lĩnh - Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-UBND tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt đề án “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, yêu cầu đóng cửa các bãi chôn lấp hết công suất; ngăn chặn hình thành các bãi chôn lấp tự phát, không để phát sinh sau năm 2025...

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, tỉnh đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải. Lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, đặc biệt là các loại rác khó xử lý nhưng chưa được phân loại, thu gom, xử lý đáp ứng các yêu cầu theo quy định về bảo vệ môi trường.

Tại các khu đô thị vẫn còn tình trạng vứt rác thải không đúng quy định nơi công cộng, chất thải sinh hoạt thải trực tiếp ra biển; ở nông thôn nhiều nơi chưa có phương án thu gom, vận chuyển, xử lý, tình trạng xả rác ra ao hồ, sông rạch còn phổ biến… gây mất cảnh quan sinh thái, ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân chính là do trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công nghệ và quy trình kỹ thuật xử lý đáp ứng khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày, chủng loại rác cần được xử lý đạt quy chuẩn; phương tiện thu gom, vận chuyển chưa đáp ứng nhu cầu thực tế…

Thu gom rác trên sông ở Rạch Giá, Kiên Giang.
Thu gom rác trên sông ở Rạch Giá, Kiên Giang.

Dự báo đến năm 2030, rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh không thay đổi nhiều về đặc trưng mà chủ yếu thay đổi về khối lượng. Theo đó, năm 2025 là khoảng 1.700 tấn/ngày (tăng 500 tấn/ngày so với năm 2020), trong đó, rác khu vực đô thị 950 tấn/ngày, khu vực nông thôn 750 tấn/ngày. Năm 2030 là khoảng 2.000 tấn/ngày, trong đó ở đô thị 1.100 tấn/ngày và nông thôn 900 tấn/ngày.

Theo mục tiêu để án, đến năm 2025, có 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị loại I, II, III, IV; 85% tổng lượng chất thải rắn tại các đô thị loại V và 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom, xử lý hoặc tự xử lý để đảm bảo môi trường; 35% tổng số hộ trong khu vực đô thị và 25% số hộ khu vực nông thôn thực hiện biện pháp giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; sử dụng 100% túi nilon thân thiện môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị...

Đến năm 2030, có 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị loại I, II, III, IV; 90% tổng lượng chất thải rắn tại các đô thị loại V và 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom, xử lý hoặc tự xử lý để đảm bảo môi trường; 60% tổng số hộ trong khu vực đô thị và 50% số hộ khu vực nông thôn thực hiện biện pháp giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn…

Tại TP Rạch Giá, chất thải rắn sinh hoạt được tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển về nhà máy xử lý rác TP Rạch Giá tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất để xử lý bằng biện pháp đốt ở nhiệt độ cao. Bố trí thêm phương tiện để đảm bảo việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đô thị đạt tỷ lệ 100% theo quy định. Tiếp tục đầu tư và vận hành nhà máy xử lý rác theo công nghệ xử lý Plasma với tổng công suất từ 160 - 240 tấn/ngày.

Tại TP Phú Quốc, chất thải rắn sinh hoạt được tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển về nhà máy xử lý rác thải Phú Quốc ở xã Hàm Ninh xử lý bằng biện pháp đốt. Xử lý dứt điểm việc đóng cửa bãi rác và đảm bảo môi trường tại An Thới. Với xã đảo Thổ Châu và khu phố Hòn Rỏi (An Thới), lập dự án đầu tư lò đốt và đưa vào hoạt động theo đúng lộ trình, đảm bảo đến năm 2023 có 100% lượng rác của xã phải được thu gom xử lý đúng quy định.

Tại TP Hà Tiên, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại, thu gom, vận chuyển về khu xử lý tập trung để xử lý bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Phối hợp huyện Giang Thành rà soát, kiểm tra tình hình triển khai dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, sớm đưa vào hoạt động. Đến năm 2024 phải bảo đảm đưa 50% rác thải từ TP Hà Tiên về nhà máy tại huyện Giang Thành để xử lý bằng phương pháp đốt…

Đóng cửa các bãi chôn lấp đã hết công suất; đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc đóng cửa đối với các bãi chôn lấp đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn kịp thời việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát, không để phát sinh sau năm 2025.

Giai đoạn 2026 - 2030, trên địa bàn tỉnh phải hoàn thiện và đi vào hoạt động 7 khu xử lý chất thải rắc sinh hoạt tập trung theo vùng. Mỗi khu phải bố trí quỹ đất để đảm bảo đầy đủ các hạng mục công trình chính, công trình phụ trợ, ô chôn lấp sau đốt, hệ thống xử lý nước thải, cây xanh…

Kinh phí thực hiện đề án được bố trí từ các nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp hiện hành hoặc huy động từ nguồn hỗ trợ từ trung ương, các nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị HĐND tỉnh này xem xét, phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm lớn hơn 1% tổng ngân sách để phù hợp việc duy trì hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo yêu cầu…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần