Nhiều tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Đại Sứ quán Việt Nam tại Malaysia và các cơ quan chức năng cung cấp từ đầu năm 2023 đến nay Kiên Giang có 13 vụ/23 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý và tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài đang xác minh làm rõ (13 tàu) (trong đó có 10 tàu cá theo Công văn số 6181/BNN-KN ngày 6/9/2023 của Bộ NN&PTNT).
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ/2 tàu với số tiền 900 triệu đồng và 2 tịch thu tàu cá. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang điều tra, xác minh rõ 12 vụ/21 tàu cá vi phạm và xử lý theo quy định.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, BTL Vùng Cảnh sát biển 4, Hải đoàn Biên phòng 28 đã xử lý 378 vụ/403 tàu với tổng số tiền phạt 8.757.930.000 đồng. Các địa phương đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 122 tàu với số tiền 1.317.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng địa phương đã xử phạt hành chính 85 thiết bị giám sát hành trình với tổng số tiền 13.723.000.000 đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm 55 thiết bị của 15 chủ tàu với tổng số tiền 12.836.500.000 đồng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với Công an tỉnh điều tra, xác minh xử lý 6 thiết bị giám sát để trên 1 tàu và 19 thiết bị giám sát để trên 3 tàu.
Kiểm soát chặt tàu cá vi phạm
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay toàn tỉnh đã có 3.618 tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,32%. Trong tổng tàu cá từ 15 mét trở lên 100% tàu cá đang hoạt động đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các tàu từ 15m trở lên cập cảng chỉ định tại cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) và An Thới (Phú Quốc) được giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác, bốc dỡ qua cảng và thuyền trưởng đã thực hiện thông báo trước 1 giờ khi cập cảng và ghi nộp nhật ký khai thác đầu đủ.
Đồng thời, tỉnh Kiên Giang đã nổ lực trong công tác đăng ký, đăng kiểm đưa vào quản lý, 100% tàu cá được đăng ký và cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các tỉnh Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Nam Định và Cà Mau trong công tác chống khai thác IUU, quản lý và kiểm soát hoạt động tàu cá, xác nhận và chứng nhận nguyên liệu nguồn gốc thủy sản khai thác, ông Quảng Trọng Thao cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – Phó Trưởng ban chỉ đạo chống khai thác IUU ông Lê Quốc Anh cho biết: UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến khi đoàn thanh tra EC đến làm việc lần thứ 4. Các địa phương có biển, đảo phải xây dựng kịch bản chi tiết trong trường hợp đoàn đến kiểm tra, tập trung hoàn chỉnh hồ sơ liên quan đến công tác thực thi pháp luật, quản lý chặt chẽ đội tàu; phối hợp với Chi cục Thủy sản và Ban Quản lý Cảng cá Kiên Giang giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác tại các bến cá; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm IUU.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chuẩn bị tốt các hồ sơ về công tác giám sát, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập rời cảng; về quản lý tàu cá như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá; đăng ký đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác tàu cá và xử lý vi phạm khai thác IUU kiện toàn các hồ sơ pháp lý quản lý nguồn gốc thủy sản, giám sát hàng hóa tại cảng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang kiểm soát 100% tàu cá xuất nhập bến tại các đồn, trạm biên phòng, xử phạt nghiêm không cho xuất bến các tàu cá không đủ điều kiện; xác minh xử lý dứt điểm 100% tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023; chuẩn bị hồ sơ xuất, nhập trạm và tổng hợp hồ sơ lưu trữ xử lý các tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.