Kiên Giang: Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 12 ngàn tỷ đồng

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong 10 tháng của năm 2023, thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang là 11.902 tỷ đồng, đạt 97,7%, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển kinh tế. Địa phương đang phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia.

Thu ngân sách ước đạt 124%

Theo đó, năm 2023, HĐND tỉnh Kiên Giang giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh là 12.177 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa là 12.097 tỷ đồng; thu hoạt động xuất nhập khẩu là 80 tỷ đồng.

Du lịch Phú Quốc đang có nhiều tín hiệu hồi phục mạnh mẽ (Ảnh Hữu Tuấn)
Du lịch Phú Quốc đang có nhiều tín hiệu hồi phục mạnh mẽ (Ảnh Hữu Tuấn)

10 tháng đầu năm hoạt động thu ngân sách là 11.902 tỷ đồng, đạt 97,7% so với dự toán. Thu nội địa là 11.806 tỷ đồng, đạt 97,6% so với dự toán; thu hoạt động xuất nhập khẩu 96 tỷ đồng.

Trong đó, có 9/16 khu vực, sắc thuế 10 tháng đạt thu cao và đạt so dự toán giao gồm: Khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 3.624 tỷ đồng; Thuế thu nhập cá nhân là 1.055 tỷ đồng; Tiền sử dụng đất là 1.700 tỷ đồng; Tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 1.717 tỷ đồng; Thu khác ngân sách 709 tỷ đồng; Thu cấp quyền khai thác khoáng sản ước thực hiện cả năm 42 tỷ đồng; Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 1.755 tỷ đồng; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ước thực hiện cả năm 1,35 tỷ đồng; Thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản cả năm 2023 ước thực hiện là 1 tỷ đồng.

Dự toán tổng chi ngân sách địa phương là 17.503 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển 6.685 tỷ đồng; chi thường xuyên 10.521 tỷ đồng. Thực hiện chi 10 tháng là 12.234,7 tỷ đồng, đạt 70,1% dự toán. Ước thực hiện chi ngân sách năm 2023 là 17.380,3 tỷ đồng, đạt 99,3% so dự toán.

Thu ngân sách gặp khó khăn

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Mặc dù tổng thể tiến độ thu NSNN đạt cao, song một số khoản thu đạt thấp, nhất là thu từ thuế bảo vệ môi trường, thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lệ phí trước bạ.

Mặt khác, trước những khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lỡ, giá nhiều yếu tố đầu vào tăng làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh; thị trường bất động sản trầm lắng,... tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh, vì vậy thu NSNN trên địa bàn một số địa phương đạt thấp, ảnh hưởng đến nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý đảm bảo cân đối ngân sách.

Trong khi đó, công tác triển khai dự toán chi ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách, kể cả chỉ đầu tư và chi thường xuyên của một số sở, ngành cấp tỉnh, địa phương vẫn còn tình trạng phân bổ chậm, kéo dài. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước cả năm vẫn chưa đạt kế hoạch. Chi thường xuyên ở một số lĩnh vực chưa đạt dự toán, nhiều đề tài, dự án, chương trình triển khai, phân bổ kinh phí thực hiện chậm, nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ. Chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số bộ phận doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nêu trên. Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất tác động đến nguồn thu NSNN trên địa bàn tỉnh. Một số sở, ban ngành, địa phương chưa chủ động trong công tác chuẩn bị triển khai dự toán chi ngân sách địa phương và kế hoạch vốn đầu tư công được giao.

Ngoài ra, đối với nhiệm vụ chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp do các văn bản hướng dẫn của Trung ương còn chồng chéo, chưa đồng bộ nên khi địa phương áp dụng đồng thời các văn bản này sẽ rất khó khăn trong việc xét điều kiện, tiêu chí thực hiện trên các địa bàn có nhiều dự án, tiểu dự án có nội dung thành phần liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thuộc nhiều cấp quản lý.