Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước: sát thực tiễn, dễ triển khai

Kinhtedothi - Ngày 7/7/2025, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị thảo luận, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương và địa phương về hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính – ngân sách.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi năm 2025 là một trong những đạo luật có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động sâu sắc tới toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp và các lĩnh vực trong nền kinh tế. Luật đóng vai trò nền tảng cho việc triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, nhất là trong bối cảnh yêu cầu đổi mới quản lý tài chính công ngày càng cao.

Tại lần sửa đổi này, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết 4 nội dung và giao Chính phủ quy định chi tiết 26 nội dung. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng 3 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 6 Nghị định của Chính phủ. Trong đó, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN là văn bản quan trọng nhằm cụ thể hóa các điều khoản mới được quy định tại luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi khi triển khai vào thực tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, việc xây dựng dự thảo Nghị định bám sát các nguyên tắc bảo đảm thống nhất với tinh thần sửa đổi của Luật NSNN, đồng bộ với Nghị quyết số 203/2025/QH15 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật liên quan; chỉ quy định những nội dung đã được Luật giao; kế thừa những quy định hiện hành mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và đề cao vai trò người đứng đầu trong quản lý ngân sách.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận, góp ý làm rõ thêm các nội dung cần quy định cụ thể trong dự thảo. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất tháo gỡ các vướng mắc trong việc xác định bội chi ngân sách, cơ chế quản lý và hạch toán vay – trả nợ, cách thức phân bổ và sử dụng các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hỗ trợ từ ngân sách cho tổ chức xã hội, cũng như thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương.

Một nội dung quan trọng khác được đề cập là quy trình lập dự toán NSNN, trong đó làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, mốc thời gian cụ thể trong quá trình xây dựng, tổng hợp, trình và giao dự toán.

Về công tác chấp hành ngân sách, dự thảo bổ sung nhiều nội dung mới liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí ứng trước dự toán; trình tự điều chỉnh nhiệm vụ thu – chi; cơ chế thưởng vượt thu và xử lý hụt thu trong năm. Với quyết toán ngân sách, dự thảo quy định rõ về công tác khóa sổ, chuyển nguồn, trình tự quyết toán của các đơn vị sử dụng ngân sách và xử lý kết dư.

Toàn cảnh hội nghị

Nội dung về công khai ngân sách và giám sát cộng đồng cũng được đề cao trong dự thảo, thể hiện qua việc quy định rõ trách nhiệm, thời điểm công khai của các cơ quan, cũng như hình thức tổ chức giám sát của cộng đồng nhằm bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong sử dụng ngân sách. Ngoài ra, kế hoạch tài chính 5 năm được hướng dẫn cụ thể từ căn cứ lập, nội dung, trình tự đến trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách nhà nước là yêu cầu cấp thiết, không chỉ để thể chế hóa các quy định của luật mà còn nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn về phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính trong quản lý ngân sách nhà nước. Đây cũng là công cụ pháp lý quan trọng để xử lý các vấn đề phát sinh khi tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tạo điều kiện chủ động, linh hoạt hơn cho các địa phương trong quản lý tài chính công.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại hội nghị để hoàn thiện dự thảo, bảo đảm nội dung chặt chẽ, thống nhất, khả thi và phù hợp với thực tiễn khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
“Điểm tựa" vững chắc cho nông dân Sơn La

“Điểm tựa" vững chắc cho nông dân Sơn La

07 Jul, 04:19 PM

Kinhtedothi - Các nguồn vốn hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang giúp nhiều hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế.

GELEX triển khai Dự án Văn hóa doanh nghiệp

GELEX triển khai Dự án Văn hóa doanh nghiệp

07 Jul, 04:07 PM

Kinhtedothi - Với tầm nhìn trở thành Tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam, là biểu tượng của Tăng trưởng – Hiệu quả - Bền vững, GELEX chính thức khởi động Dự án Văn hóa doanh nghiệp từ tháng 6/2025. Đây là bước đi chiến lược nhằm kiến tạo một tổ chức có khả năng thích ứng nhanh, vận hành hiệu suất cao và nuôi dưỡng khát vọng vươn tầm toàn cầu.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ