Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên Giang với kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

HỒNG LĨNH – THU NHUNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỉnh Kiên Giang vừa lên kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 85.720 triệu đồng. Mục tiêu là triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các DNNVV đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.

 Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có trên 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động; có 100 DNNVV khởi nghiệp sáng tạo... Kế hoạch này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh...
Nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế

Theo dự thảo kế hoạch, công tác hỗ trợ DNNVV cần bám sát các nội dung, quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định.

Cân đối các nguồn lực hỗ trợ cho DNNVV đảm bảo hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế của tỉnh. DNNVV trên địa bàn tỉnh, cần nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, ý thức chấp hành pháp luật trong việc tiếp nhận, phối hợp và tổ chức thực hiện các nguồn lực hỗ trợ.
  Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ được hỗ trợ theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ. Trong ảnh Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và tỉnh Kiên Giang khảo sát mô hình sản xuất tại huyện Hòn Đất.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các DNNVV đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.

Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho DNNVV theo phương hướng nâng cao chất lượng, phát triển về số lượng, đạt hiệu quả kinh tế, góp phần tạo nhiều việc làm, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực quản trị, năng lực tiếp cận thị trường và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Sẽ có trên 13.000 doanh nghiệp vào năm 2025

Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có trên 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động; bình quân hàng năm có từ 20 - 30 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; có 100 DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; tỷ trọng doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 5%; số lao động được giải quyết việc làm trên 140.000 người; vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 89%/ tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Xây dựng hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tập trung xây dựng cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. Hình thành được các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị chủ yếu: chế biến nông-thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp-dịch vụ hậu cần nghề cá. Mỗi lĩnh vực có ít nhất từ 1 - 2 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khoảng 200 doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hướng đến sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp tham gia cùng sản xuất nông nghiệp, nhất là sản phẩm công nghệ cao.

Đối tượng và nội dung hỗ trợ

Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ; DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ công nghệ, tư vấn và phát triển nguồn nhân lực (bao gồm: Hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm: Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; Hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, công bố thông tin doanh nghiệp; Hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Hỗ trợ lệ phí môn bài; Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán); hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (bao gồm: Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; Hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; Hỗ trợ công nghệ; Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; Hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ chi phí tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (bao gồm: Hỗ trợ đào tạo; Hỗ trợ nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh; Hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường; Hỗ trợ hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước; Hỗ trợ hợp đồng tư vấn tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; Hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng); hỗ trợ lãi suất cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (2%/năm).

Dự kiến trong giai đoạn 2022 – 2025 có trên 2.000 DNNVV được hưởng các chính sách hỗ trơ theo kế hoạch này. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 85.720 triệu đồng (Chưa bao gồm kinh phí đầu tư cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; kinh phí mua sắm, lắp đặt trang thiết bị, máy móc, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, hệ thống công nghệ thông tin cho cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; kinh phí hỗ trợ lãi suất cho DNNVV; kinh phí hoạt động của Hội đồng lựa chọn DNNVV khởi nghiệp sáng tạo).

Theo dự thảo kế hoạch sẽ giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện kế hoạch này định kỳ hằng năm.