Lần đầu đi biển
Trao đổi với phóng viên ông T.M.T. (41 tuổi, quê ở Cà Mau, ngư dân bị đánh ở trên tàu cá) cho biết, sự việc bắt đầu vào đêm 21/7, khi ông T cùng các ngư dân đang thu lưới ở ngoài khơi lên tàu, lúc này trời đổ mưa nhiều nên ông lấy áo mưa mặc để đỡ lạnh và tiến hành lựa cá.
Tuy nhiên, khi ông T nhờ 1 ngư dân đi cùng tàu lấy áo mưa để mặc, nhưng ông này không lấy áo mưa cho ông mà quay sang đánh ông T. Khi bị đánh ông T. đã dùng tay để đỡ thì bị gãy tay. Khi bị gãy tay, ông T. nằm trên tàu có mấy ngày, khoảng mấy ngày sau mới quá giang xin tàu khác vào đất liền nhập viện để điều trị. Đến nay sức khỏe của ông T đã ổn định nhưng tay vẫn còn đau.
Trong khi đó, ông N.V.C. (39 tuổi, ngụ ở tỉnh Bến Tre, ngư dân bị đánh ở tàu cá) cho biết, ông lần đầu tiên đi biển, làm cái nghề này thức đêm nhiều, không quen, sức khỏe của ông bị yếu đi, làm việc không nổi.
Chia sẻ với phóng viên, ông C. cho hay, do đuối sức, làm việc không nổi, nhiều lần ông C. tính nhảy xuống biển để trốn đi nhưng đuối quá nên không thực hiện. Khi bị phát hiện không làm nổi việc thì một người đàn ông tên M. đã dùng cây đánh ông C. Không chỉ có ông M. đánh mà có thêm hai ba người đi cùng tàu cũng đánh ông C.
Sau khi bị đánh xong ông C. không đi nổi và mê man rồi được đưa vào bệnh viện điều trị. Hiện sức khỏe ông C. tạm ổn định và được một người bạn chăm nuôi ở bệnh viện.
Còn ông V.V.Q. (31 tuổi, ngụ tỉnh Hải Dương) cho biết, do không xin được việc làm, ông xin đi biển, đây cũng là lần đầu tiên đi biển đánh bắt cá. Nhưng do không quen công việc, thao tác chậm thường bị các ngư dân đi cùng tàu có kinh nghệm đánh đập. Đến giờ ông Q. vẫn còn sợ khi xem clip mình cùng các ngư dân bị đánh đập dã man trên tàu cá.
Điều tra, xử lý nghiêm
Trao đổi vói phóng viên, bác sĩ Bác sĩ CKII Huỳnh Trọng Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho cho biết, ngày 6/8, đơn vị có tiếp nhận và điều trị 2 ngư dân bị đánh trên tàu cá, gồm: ông T.M.T. (41 tuổi. ngụ ở Cà Mau) bị gãy hai xương cẳng tay bên trái; ông N.V.C. (39 tuổi, ngụ ở Bến Tre) bị đau đầu, chóng mặt nhiều, không nhớ và chậm chạp, khó đi.
Tuy nhiên, ông C. chụp CT và chẩn đoán có máu tụ trong não ở trán thái dương bên phải. Khi phẫu thuật xong, sức khỏe ông C. đã chuyển biến tốt và đi lại bình thường. Đến nay, tình trạng sức khỏe cả hai ngư dân đã ổn định và dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới, bác sĩ Tâm cho hay.
Trong khi đó, Cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, Biên phòng Kiên Giang đã và đang vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ hành vi của các ngư dân đánh đập dã man đồng nghiệp trên tàu cá, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, sau khi tiếp nhận các thông tin từ từ Tổng đài quốc gia 111 và nguồn tin của công dân về việc có ngư dân làm việc trên tàu cá bị đánh gây thương tích. Bộ chỉ huy đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ vào cuộc điều tra làm rõ, đã kịp thời giải cứu ba ngư dân đưa vào bệnh viện để điều trị, đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bước đầu lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã xác định được, clip hành hạ các ngư dân được quay vào này 27/7 đến ngày 6/8 thì được đăng lên mạng xã hội.
Như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, trước đó, trên mạng xã hội Facebook lan truyền 1 đoạn clip dài khoảng 6 phút 8 giây quay lại cảnh một thanh niên mặc áo thun xanh, đội nón, tay cầm cây gỗ dài liên tục đánh vào vai, đầu của 4 người đàn ông khác trên một tàu đánh cá.
Những người bị đánh rất sợ và chắp tay, liên tục van xin tha nhưng thanh niên này vẫn tiếp tục chửi và đánh trước sự chứng kiến của nhiều người khác trên tàu.
Vụ việc vẫn chưa rõ thực hư nguyên nhân vì sao thanh niên kia lại có hành động hành hung những người này. Tuy nhiên việc đánh đập trong clip đã khiến dư luận xôn xao, bày tỏ sự lo ngại cho những người bị đánh.