Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị:

Kiên Giang xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp

Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ góp phần đưa vùng đất Chín Rồng vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã nhanh chóng xây dựng Chương trình hành động với quan điểm mục tiêu và những giải pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết đặc biệt quan trọng này.

Cụ thể hóa các mục tiêu

Trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết: Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy là: Quán triệt đầy đủ 05 quan điểm Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị để thống nhất tư tưởng, nhận thức và hành động về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tỉnh Kiên Giang trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ đó xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình (ngoài cùng bên trái) kiểm tra thực tế công tác khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình (ngoài cùng bên trái) kiểm tra thực tế công tác khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế.

Phải phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để xây dựng Kiên Giang thành một tỉnh có chất lượng sống tốt vùng Tây Nam bộ. Hạ tầng và môi trường đầu tư tại Kiên Giang hấp dẫn đủ thu hút nhà đầu tư hàng đầu về du lịch và dịch vụ, bất động sản và công nghệ.

TP Rạch Giá kết nối thông suốt với hai cực tăng trưởng là TP Phú Quốc và TP Hà Tiên, hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế thương mại dịch vụ hướng biển. Đến năm 2030, Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng ĐBSCL đối với du khách và nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh.

Tỉnh ủy Kiên Giang cũng đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 (theo giá so sánh 2010) tăng trưởng thấp nhất đạt 6,1%/năm, cao nhất đạt 7,8%/năm và trung bình đạt 7,0%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 thấp nhất đạt 3.890 USD, cao nhất đạt 5.237 USD, trung bình đạt 4.520 USD.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,5%. Tỷ lệ hộ nghèo đạt dưới 2% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026 - 2030. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân thấp nhất là 11, cao nhất là 13, trung bình là 12; tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân thấp nhất là 34, cao nhất là 39, trung bình là 36,5.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50 - 55%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày đạt 65%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt trên 50%.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất nhận thức, đồng thuận của xã hội trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị: Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai quán triệt đầy đủ, sâu rộng nội dung của Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nội dung, nhiệm vụ Chương trình hành động của tỉnh trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng tầm tư duy và tạo quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một góc TP Hà Tiên. Ảnh: Huỳnh Lãnh
Một góc TP Hà Tiên. Ảnh: Huỳnh Lãnh

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, phổ biến thông tin về Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng để đạt hiệu quả cao nhất. Chủ động đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, tiêu cực, sai sự thật trên các nền tảng số.

Tập trung, thực hiện các thể chế, cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng

Tích cực tham gia xây dựng các cơ chế mang tính liên kết vùng. Chủ động đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách, các giải pháp phù hợp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển vùng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách vùng.

Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng, có tính chất liên kết vùng và của tỉnh đã được T.Ư xác định, giao nhiệm vụ cho tỉnh chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phù hợp với mục tiêu quy hoạch tỉnh và góp phần đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và nâng cao chất lượng đô thị. Xây dựng và phát triển đô thị biển, đảo, bảo đảm hiện đại, thông minh và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; các đô thị ven biển thành các điểm đến, là đầu mối giao thông và dịch vụ nhằm kết nối với vùng nội địa của vùng ĐBSCL và không gian vùng biển Tây.

Trong đó, xây dựng TP Rạch Giá là trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Xây dựng TP Hà Tiên là đô thị cửa khẩu quốc tế, du lịch ven biển; có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái.

Xây dựng TP Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển - đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.