Sáng 13/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban chỉ đạo. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Cần kéo dài thời gian cách ly xã hội ít nhất 1 tuần nữa
Tại phiên họp, PGS.TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng hiện nay Hà Nội đang là điểm nóng và có nguy cơ nhất về dịch tễ của cả nước. Ông Dương cho rằng điểm nóng tại Hà Nội là khách quan, chứ không phải do Hà Nội. Việc Hà Nội đối phó với dịch bệnh trong 3 tháng qua là rất đáng ngưỡng mộ.
|
PGS.TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương |
Trực tiếp hỗ trợ công các phòng dịch tại huyện Mê Linh, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương cho rằng, ổ dịch tại Hạ Lôi rất phức tạp, nhưng Hà Nội đã phát hiện nhanh và khoanh vùng ổ dịch kịp thời.
PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh Hà Nội cần tiếp tục cách ly xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. “Tôi thấy mấy ngày gần đây người dân bắt đầu đi đông, thậm chí có nơi chật cả đường rồi. Thành phố cần quyết liệt hơn nữa, thậm chí cần có chế tài”, ông Dương nói.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng dựa vào tình hình hiện nay, thành phố có thể kéo dài hơn nữa việc cách ly xã hội để bảo vệ các thành quả, chứ không chỉ kéo dài đến ngày 15/4. “Theo tôi, ít nhất phải kéo dài thêm 1 tuần nữa”, ông Dương nói.
Tiếp tục được cách ly xã hội một cách nghiêm túc
Tại phiên họp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, ngay trong tối 12/4, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và tỉnh Bắc Ninh đã điều tra lịch trình và dịch tễ bệnh nhân 262 - công nhân công ty SamSung, Bắc Ninh.
"Chúng tôi đã lập tức điều tra, đến nay có 101 ca F1, liên quan đến rất nhiều tỉnh phía Bắc. Bệnh nhân này có triệu chứng từ ngày 31/3, đến ngày 6,7/4 mới nghỉ làm để cách ly", ông Cảm cho hay.
Đặc biệt, cho biết mỗi chuyến xe đưa đón công nhân từ huyện Mê Linh đến nhà máy Samsung ở Bắc Ninh có khoảng 20 người, mỗi ngày 2 chuyến là bệnh nhân này tiếp xúc với 40 người, trong vòng 1 tuần.
Giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh đây là 1 ca rất phức tạp. Qua việc giám sát, phát hiện lấy mẫu xét nghiệm, Hà Nội đã lần ra các đầu mối lây lan trong cộng đồng. Ông cho rằng đây là chiến lược đúng đắn của Hà Nội.
|
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm |
"Qua thực tế, phân tích dịch tễ học, có tới 68% các ca bệnh ở Hà Nội là không có triệu chứng hoặc chỉ triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua. Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, khả năng bỏ sót đến 2/3 số ca bệnh", ông Cảm lưu ý và nhấn mạnh đây là tính chất mới hết sức phức tạp của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân này không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây lan như người đã phát bệnh. Do vậy, nếu thời gian quan không áp dụng triệt để các biện pháp giám sát, phát hiện, bao vây, khoanh vùng, ông Cảm cho rằng khả năng dịch lây lan rộng, bùng phát ngoài cộng đồng tại Hà Nội là hoàn toàn có thể.
Nhận định về tình hình dịch tại Hà Nội, ông Cảm cho rằng thành phố đã làm quyết liệt và luôn cao hơn 1 bậc so với quy trình chung của cả nước. Hà Nội là địa bàn rất phức tạp, dân số đông, nguồn lây nhiễm có thể về từ các nước là rất lớn. Hiện, việc kiểm soát các nguồn truyền nhiễm là vô cùng khó khăn.
“Đến nay, ta cơ bản kiểm soát được tình hình dịch, nhưng Hà Nội cũng như cả nước đã chuyển sang giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng”, ông nói và nhấn mạnh việc cách ly toàn xã hội cần tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc.