Kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giá trị tăng thêm công nghiệp (CN) 9 tháng của năm nay chỉ tăng 8%, vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và chưa đạt chỉ tiêu 10,4 - 10,8% của cả năm.

Điều đó cho thấy, mặc dù hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) đã có tiến bộ nhưng chưa hết những vướng mắc cần tháo gỡ.

Doanh nghiệp sản xuất, phân phối đều chưa hết khó

Nhiều DN sản xuất CN phản ánh lãi suất vay ngân hàng (NH) còn cao (17 - 18%), tiêu thụ sản phẩm chậm, hàng tồn kho tăng cao. Trong tháng 9 vẫn có 15/21 sản phẩm CN chủ yếu giảm sản lượng, trong đó, lắp ráp ô tô giảm 54,9%, sứ vệ sinh giảm 17,8%, bia giảm 11,9%, thuốc ống giảm 26,6%... Mặc dù DN đã tích cực khuyến mại, giảm giá..., song sức mua vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp làng nghề còn gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như mặt bằng sản xuất. Ảnh: Linh Anh

Với DN thương mại, rào cản còn nằm ở chỗ địa bàn nội thành không còn quỹ đất phát triển hệ thống hạ tầng thương mại (HTTM), trong khi tại các huyện có một số vị trí đất có lợi thế phát triển thương mại nhưng lại không có trong quy hoạch. Đáng nói, một số dự án đầu tư xây dựng HTTM thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, nên DN khó tiếp cận được.

Riêng về xuất khẩu (XK), phần lớn DN có quy mô nhỏ và vừa nên khó tiếp cận vốn NH, trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng, thuế đất cao, thiếu lao động có tay nghề. Sức mua tại thị trường nước ngoài giảm mạnh, làm giảm sút nhiều nhóm hàng XK chủ lực. Ngành da giày và sản phẩm từ da còn bị ảnh hưởng bởi các thị trường Mỹ, EU, Nhật đang thay đổi cách mua hàng, yêu cầu tiêu chuẩn cao nên đơn hàng giảm mạnh.

Đặc biệt, các DN sản xuất tại làng nghề phản ánh, họ còn gặp khó về mặt bằng sản xuất và nhà ở cho công nhân, như Công ty TNHH Tiến Động, công nhân đang phải ở 40 người/phòng 60m2, dẫn tới sức khỏe không đảm bảo; Nhiều cơ sở sản xuất may da rất thiếu lao động tay nghề cao, DN phải tốn kinh phí đào tạo khi đang thiếu vốn sản xuất.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trong hoàn cảnh khó hoàn thành kế hoạch năm, đa số DN Hà Nội kiến nghị Chính phủ giảm VAT xuống 5%, để giúp DN giảm giá thành sản phẩm, từ đó giảm giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. DN sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, sản xuất thép, xi măng lại mong gia hạn 9 tháng tiền thuế thu nhập DN còn nợ chưa nộp ngân sách của năm 2011 về trước.

Đại diện Công ty TNHH nhà nước MTV Xuân Hòa kiến nghị, giảm thuế nhập khẩu (NK) cho các mặt hàng linh kiện sản xuất hàng nội thất đang phải nhập khẩu với thuế NK đến 25% làm giảm tính cạnh tranh cho hàng bán tại nội địa. Công ty CP nồi hơi Việt Nam cũng đề xuất giảm thuế NK cho những phụ tùng đặc biệt trong nước chưa chế tạo được (van hơi, bơm áp suất cao), để DN có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Về đất đai, DN cho rằng, chính sách giảm 50% thuế đất nên áp dụng cho mọi DN đã nộp thuế, không nên thắt chặt đối tượng thụ hưởng với DN đã có giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng và hợp đồng thuê đất. Các ngành thuế, tài nguyên môi trường sớm giải quyết vướng mắc trong giao đất và cấp GCN quyền sử dụng đất, bởi việc tạm tính thuế thuê đất của DN sản xuất chưa rõ ràng, gây khó cho những DN chưa có GCN.

Đáng chú ý trong chính sách của TP về hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư theo Quyết định 5487 và 2650/UBNDTP, DN kiến nghị được điều chỉnh hỗ trợ lãi suất cho các khoản phải trả lãi vay trong năm 2011 - 2012 do sản xuất khó khăn không đủ điều kiện trả nợ cũ, và nới rộng các điều kiện được hưởng hỗ trợ.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết: Sở vừa kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn. Trong đó nhấn mạnh, đầu tư cho chiến lược phát triển cơ khí, để DN được vay vốn lãi suất thấp mới có điều kiện đầu tư và thu hút các ngành CN hỗ trợ khác cùng phát triển; Đề nghị điều chỉnh thuế suất NK hợp lý cho các thiết bị thuộc danh mục trong nước sản xuất được để kích thích tiêu thụ hàng trong nước; UBND TP giải ngân nhanh các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư CN bằng cách mở rộng đối tượng cho vay ưu đãi.