Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến nghị quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương về phát triển NƠXH

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030”. Trong đó đưa ra nhiều giải pháp để thực thi trong quá trình này.

Xác định nhu cầu thực tế

Theo đó, tại Tờ trình số 28/TTr-BXD Bộ Xây dựng nêu rõ, sau khi có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 của Văn phòng Chính phủ), Bộ đã có văn bản số 3119/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, đề nghị báo cáo số liệu NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phục vụ xây dựng Đề án.

Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp để phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2030.
Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp để phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2030.

Đến nay đã có 40 địa phương gửi báo cáo, Bộ Xây dựng tổng hợp nhu cầu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2.600.000 căn, mục tiêu đề ra cho giai đoạn này là hoàn thành khoảng 1.800.000 căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu khoảng 1.300.000 căn, và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành 700.000 căn (đáp ứng khoảng 54% nhu cầu); Giai đoạn 2025 - 2030, nhu cầu khoảng 1.300.000 căn, mục tiêu hoàn thành 1.100.000 căn (đáp ứng 85% nhu cầu).

Đề án nêu đề nghị quy hoạch, bố trí các dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân độc lập tại những vị trí phù hợp, thuận tiện, quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… Cụ thể, đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030 Hà Nội sẽ xây thêm 136.000 căn hộ, TP Hồ Chí Minh (130.000 căn), Hải Phòng (45.355 căn), Đà Nẵng (19.600 căn), Cần Thơ (12.715 căn)...

Đối với các tỉnh, TP nhiều KCN, tập trung đông công nhân như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương… sẽ căn cứ quy định pháp luật về nhà ở và Nghị định số 35 về quản lý KCN, khu kinh tế để dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển. Trong đó, tỉnh Long An đặt mục tiêu xây khoảng 310.000 căn, Bắc Giang (285.143 căn), Bắc Ninh (96.247 căn), Bình Dương (84.000 căn), Bình Phước (58.990 căn), Hưng Yên (56.700 căn)...

Đồng bộ các giải pháp

Cũng tại Tờ trình, Bộ Xây dựng cho biết, để thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở công nhân trong thời gian tới nhằm đáp ứng mục tiêu của Đề án trong giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn cả nước có tối thiểu 1 triệu căn NƠXH, cần tập trung một số giải pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế…

Trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển NƠXH, lựa chọn chủ đầu tư dự án, các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà lưu trú công nhân, nhà ở lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, phát triển.

Đối với các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, nhận diện tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp; trước hết tập trung sửa đổi ngay văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đảm bảo đồng bộ, thông thoáng, phân cấp triệt để, rút ngắn thủ tục hành chính… Tổng hợp, đề xuất và phân bổ đủ nguồn vốn từ ngân sách T.Ư để thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH; Thiết kế chính sách theo hướng hậu kiểm (giá bán, đối tượng, điều kiện..).

Đối với UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, làm rõ mục tiêu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án. Đảm bảo đến năm 2030 hoàn thành đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ trên phạm vi cả nước. Đồng thời nghiên cứu phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục hành chính theo thẩm quyền; quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án NƠXH, nhà ở công nhân.

“Người đứng đầu địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cá nhân; lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư dự án NƠXH theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương. Đồng thời phải có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng dự án đang triển khai thực hiện, dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí và công khai quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển NƠXH, nhà ở công nhân để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án” - Bộ Xây dựng kiến nghị.

Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ngoài việc phát triển dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiếu đề ra của Đề án; Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong KCN sử dụng nhiều công nhân, người lao động cần quan tâm xây dựng nhà lưu trú, hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, người lao động thuê.