Mới đây, cử tri Hà Nội đã có kiến nghị gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 2, khóa XV, liên quan đến việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cử tri cho rằng, việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết, nhằm tạo nguồn lực phát triển cho Thủ đô.
Tuy nhiên, thực hiện theo đúng trình tự quy định (Bộ Xây dựng thẩm định, trình Chính phủ, thông qua Quốc hội) thì thời gian kéo dài, vì vậy cần có cơ chế tháo gỡ nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. UBND TP Hà Nội cần khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện rà soát, đánh giá quy hoạch chung đã được phê duyệt làm cơ sở lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch theo đúng trình tự, nội dung, quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết thi hành, Bộ Xây dựng thực hiện trách nhiệm thẩm định nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt theo thẩm quyền. Căn cứ khoản 2 Điều 8 Luật Thủ đô năm 2012, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Quốc hội.
Theo đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, nội dung quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, Luật Thủ đô năm 2012 và pháp luật hiện hành có liên quan.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng làm cơ sở lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó gồm nội dung nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch đô thị, nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị. Luật Thủ đô cũng đang được Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội chủ trì rà soát, xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung theo quy định.
Hiện đồ án Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổ chức rà soát, đánh giá tình hình lập, triển khai các quy hoạch có liên quan, các dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt và kế hoạch thực hiện quy hoạch; đánh giá dân số hiện trạng, dân số theo quy hoạch được duyệt và khả năng phát triển.
Đồng thời đánh giá các nội dung đã thực hiện, các tác động, hiệu quả của việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt; các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại từng khu vực và toàn TP; đánh giá các vấn đề tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai, những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện; phân tích những yếu tố mới trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu xây dựng phát triển Thủ đô sắp tới.
TP Hà Nội cũng đã tổ chức hội thảo “Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội” nhằm tiếp thu những tư vấn, ý kiến góp ý các chuyên gia, nhà khoa học, hội nghề nghiệp để triển khai thực hiện lập nhiệm vụ và đồ án Đồ chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đạt được chất lượng, hiệu quả.