Tăng lương để đảm bảo mức sống tối thiểu
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh LTTV năm 2021 và sửa quy định thực hiện từ 1/7 hằng năm. Theo Tổng Liên đoàn, năm 2020, mặc dù bị tác động bởi đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế đất nước vẫn tăng trưởng dương, năng suất lao động tăng 5,4% là cơ sở để xem xét điều chỉnh tiền LTTV năm 2021. Nếu không điều chỉnh tiền LTTV sẽ không đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ.Bàn luận về kiến nghị điều chỉnh tăng LTTV năm 2021, PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn cho rằng có cơ sở và sức thuyết phục. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai nhưng nhờ sự lãnh đạo năng động và sáng tạo của Chính phủ nên tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ở mức gần 3%; hy vọng 6 tháng đầu năm 2021, sẽ tăng cao hơn. Đạt mức tăng trưởng ấy có đóng góp của NLĐ, vì thế điều chỉnh LTTV từ tháng 7 năm 2021 là hợp lý. Ngoài ra, lạm phát trong thời gian vừa qua tương đối cao, ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của NLĐ cho nên cần phải tăng lương bù vào để đảm bảo mức sống của NLĐ.Đại diện công đoàn ở cấp cơ sở trong DN cũng đồng tình với kiến nghị của Tổng Liên đoàn về tăng LTTV 2021 vì cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh hết sức khó khăn về việc làm lại không được tăng lương cơ bản đã ảnh hưởng sâu sắc tới thu nhập của NLĐ. “Do chính sách điều chỉnh LTTV đã thay đổi nên từ ngày 1/1/2021 NLĐ trên cả nước không được tăng lương định kỳ như những năm trước. Chỉ một số DN ổn định kinh doanh và quan tâm tới đời sống NLĐ mới tăng lương nhưng không cao. Việc Tổng Liên đoàn đề xuất với Thủ tướng tăng LTTV là hợp lý, sẽ ít nhiều hỗ trợ cho cuộc sống của nhiều NLĐ đang gặp khó khăn” - ông Phan Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn các khu chế xuất Hà Nội nêu ý kiến.Doanh nghiệp đang rất khó khănVới kiến nghị của Tổng Liên đoàn về điều chỉnh tiền LTTV năm 2021 và việc từ ngày 1/7 hằng năm, Thủ tướng Chính phủ đã giao Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu. Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ đề xuất, báo cáo Chính phủ trước quý II/2021. Liên quan đến kiến nghị tăng LTTV của Tổng Liên đoàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh cho rằng cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh chung và có xem xét kỹ về nguồn lực. Các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội, lao động việc làm năm 2020 của cả nước cho thấy có những thành tích nổi bật, song từng lĩnh vực còn nhiều khó khăn. 101.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019; cho thấy các DN đang còn rất khó khăn. Về tạo việc làm cho NLĐ có chuyển biến nhưng vẫn chưa thể khôi phục như trước, cần tiếp tục có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN.Về phía đại diện các chủ sử dụng lao động, nhất là trong ngành dệt may sử dụng nhiều lao động, cho rằng chưa nên điều chỉnh tăng LTTV từ tháng 7/2021, bởi từ nay đến quý III/2021 tác động tiêu cực của dịch Covid-19 sẽ rất lớn, các DN tiếp tục phải gồng mình chống chọi. Ông Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội có xưởng sản xuất hàng may xuất khẩu với gần 500 công nhân không đồng tình với thời điểm điều chỉnh tăng LTTV 2021, bởi: “Năm 2020, ngành dệt may tăng trưởng âm 15%; rất nhiều lao động phải giãn việc, ngừng việc. Biết rằng thị trường hiện nay có ấm lên nhưng để phục hồi được như năm 2019 chưa biết tới bao giờ. Nếu đề xuất tăng LTTV 2021, đồng nghĩa với DN phải đóng thêm bảo hiểm xã hội vừa phải ứng phó với dịch, lại đôn đáo tìm nguồn hàng như vậy đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn”.Theo các ý kiến chuyên gia, muốn tăng LTTV cần có hai nguyên tắc là tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Hiện nay kinh tế đất nước tăng trưởng dương nhưng chỉ dồn ở một số lĩnh vực, ngành đặc thù; việc kiểm soát lạm phát tương đối tốt, giá trị đồng tiền được đảm bảo. Hơn nữa, trong giai đoạn này rất cần có những gói hỗ trợ DN, nếu không sẽ có thêm nhiều NLĐ bị giãn việc, ngừng việc, thậm chí thất nghiệp. Không tăng LTTV cũng là cách để giảm gánh nặng tài chính, giúp DN phục hồi, phát triển và tạo việc làm cho NLĐ.