Kiến nghị tăng thuế nhập khẩu với thực phẩm bổ sung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Hải quan vừa có văn bản kiến nghị Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) xem xét sửa đổi mức thuế nhập khẩu ưu đãi của hai dòng hàng protein cô đặc và thực phẩm bổ sung lên mức 10% hoặc 15%.

Theo Tổng cục Hải quan, việc phân loại mặt hàng trên còn có nhiều quan điểm khác nhau. Hiện tại, mức thuế nhập khẩu ưu đãi của các dòng hàng có sự chênh lệch lớn (Protein cô đặc và chất protein được làm rắn áp dụng thuế suất 5% trong khi "thực phẩm bổ sung" áp dụng thuế suất 15%) nên khả năng xảy ra gian lận thương mại cao.
Trâm Anh
Triển lãm riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - VSI Expo 2014 sẽ diễn ra từ ngày 17 - 20/9 tại TP Hồ Chí Minh. Đại diện ban tổ chức cho biết, đến nay, đã có trên 200 gian trưng bày của 140 doanh nghiệp tham dự, với sự tham gia của đông đảo các tổng  công ty sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và nước ngoài. Nhiều thương hiệu lớn trong nước như Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), Máy Động lực và máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Cadivi, Mico… và nhiều hãng sản xuất nước ngoài như Intel, Nidec, Bosch, Toshin, Irifune, Nidec… cũng đăng ký tham dự.
Thanh Hằng
Dugarco khởi công nhà máy tại tỉnh Hòa Bình

Tổng Công ty CP Đức Giang - Dugarco (Hà Nội) vừa khởi công xây dựng Dự án Trung tâm May mặc xuất khẩu tại tỉnh Hòa Bình. Đây là dự án đầu tiên của Dugarco được xây dựng tại Hòa Bình nhằm tăng năng lực sản xuất, đẩy nhanh các đơn hàng xuất khẩu, đồng thời giúp giải quyết công ăn việc làm cho lao động vùng sâu, vùng xa. Dự án được đầu tư với tổng vốn 158 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 3,1ha, quy mô 36 dây chuyền may, công suất 200.000 sản phẩm/tháng. Dự kiến sau 4 tháng xây dựng nhà máy sẽ hoàn thành đi vào sử dụng và thu hút khoảng 2.000 lao động.
Phương Linh
8/12 huyện đảo có điện lưới quốc gia

Cuối tháng 9 này, cùng với việc khánh thành tuyến cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ quản lý và bán điện trực tiếp cho 8/12 huyện đảo: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang)… Người dân trên những huyện đảo này được sử dụng điện liên tục 24/24 giờ từ hệ thống điện quốc gia, được hưởng giá điện như giá bán trong đất liền. Đối với 4/12 huyện đảo còn lại, EVN sẽ tăng cường thêm nguồn điện và nghiên cứu thêm các nguồn điện mới từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Minh Phương