Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến nghị trường đại học xây dựng các tổ hợp xét tuyển phù hợp

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về Chương trình GDPT 2018, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cần loại bỏ môn không phù hợp, bổ sung các môn học nghề

Theo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, về nguyên tắc, khi thực hiện Chương trình giáo dục phố thông 2018 (CT GDPT 2018), học sinh được đăng ký chọn tự do đối với các môn học lựa chọn để chủ động tạo ra các tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp (các tổ hợp truyền thống: A00, A01, B00, B03, CO0, D01,...). Tuy nhiên,  thực tế, quyền sắp xếp các tổ hợp môn học lựa chọn lại tùy thuộc vào tình hình giáo viên và cơ sở vật chất cụ thể của mỗi trường.

Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, thí sinh sẽ phải thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn.
Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, thí sinh sẽ phải thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn.

“Việc bắt buộc học sinh ngay từ đầu cấp phải xác định các môn học lựa chọn và khó được điều chỉnh trong quá trình học, đồng nghĩa với việc buộc học sinh phải khẳng định sớm hướng chuyên môn sâu. Mặt khác, học sinh chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở cấp THCS để lựa chọn môn học lựa chọn ở cấp THPT, từ đó căn cứ vào các môn học lựa chọn để quyết định chọn trường đại học sẽ đăng ký tuyển sinh (trong khi các trường ĐH chưa công bố phương án tuyển sinh) là một đòi hỏi rất vô lý”, Hiệp hội nêu quan điểm.

Nhiều tổ hợp môn học lựa chọn do trường THPT lập ra không phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh; dẫn đến nguồn nhân lực đầu vào các môn khoa học tự nhiên sụt giảm và chất lượng các ngành khoa học cơ bản, các ngành khoa học STEM giảm sút về số lượng, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng của hệ thống trong tương lai.

Hiệp hội kiến nghị Bộ GD&ĐT đánh giá toàn bộ CT GDPT 2018 ở cả 3 cấp học, đặc biệt là ở cấp THPT và nếu phát hiện bất cập thì đưa ra các quyết định điều chỉnh ngay. Bộ cần đánh giá và sớm loại bỏ trong CT GDPT 2018 cấp THPT những môn học không cơ bản, quen thuộc để hướng nghiệp cho học sinh; bổ sung các môn học nghề từ chương trình trung cấp nghề (do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp ban hành) vào các nội dung tự chọn của CT GDPT 2018, mở ra cơ hội cho các trường THPT chủ động xây dựng các tổ hợp môn học mang định hướng nghề nghiệp sâu hơn, đa dạng hơn, tạo ra luồng THPT định hướng nghề nghiệp sau cấp THCS cho học sinh.

Cùng với đó, Bộ cần có giải pháp quyết liệt chỉ đạo các sở giáo dục thực hiện hướng nghiệp sâu ngay từ cuối cấp học THCS, đầu cấp học THPT và linh hoạt cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cân bằng tương đối giữa các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để bảo đảm nguồn nhân lực đầu vào cho các ngành khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên.

“Trước mắt, Bộ nên yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo trường THPT rà soát danh sách các tổ hợp môn lựa chọn để học sinh có nhiều cơ hội được đăng ký vào nhiều tổ hợp xét tuyển ĐH; cho học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn theo nhu cầu xét tuyển, phù hợp với năng lực và sở trường của học sinh; chỉ đạo các trường THPT không tùy tiện sắp xếp tổ hợp các môn học lựa chọn trái quy định  và xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn dựa trên khảo sát ý kiến của học sinh, tối đa sắp xếp các môn học lựa chọn theo nhu cầu... ”, Hiệp hội kiến nghị.

Cần thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, học sinh sẽ thi 4 môn; trong đó, 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong các môn còn lại. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thì phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ hạn chế các khối xét tuyển truyền thống. Việc xây dựng đề thi có tính phân loại chưa cao tạo nên bất cập đối với các trường cần có sự phân hóa cao trong tuyển sinh.

Hiện có hàng loạt trường ĐH tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng để phục vụ công tác tuyển sinh.
Hiện có hàng loạt trường ĐH tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng để phục vụ công tác tuyển sinh.

Cùng với đó, việc xuất hiện hàng loạt trường ĐH tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng để tuyển sinh có tỷ lệ cạnh tranh gay gắt. Một số phương thức tuyển sinh chưa bảo đảm chất lượng đầu vào cho ngành học, dẫn đến sau khi học có nhiều sinh viên không đáp ứng yêu cầu của ngành phải bỏ học, thôi học. Nhiều trường ĐH top dưới đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh lạ, phi truyền thống nhằm mục đích tuyển sinh.

Phương thức xét tuyền bằng học bạ gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá chất lượng đầu vào của xét tuyển ĐH; phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chưa đảm bảo đánh giá đúng năng lực ngoại ngữ của học sinh… Hiệp hội cho rằng, những bất cập trên gây khó khăn, tốn kém cho thí sinh và phụ huynh do phải thi cử nhiều lần, phải chấp nhận ghi danh ở nhiều "lò luyện". Hoạt động tuyển sinh đại học, cao đẳng ngày càng lộn xộn, kém hiệu quả; tạo ra sự mất bình đẳng về cơ hội được tiếp cận giáo dục đại học đối với các đối tượng bị thiệt thời trong xã hội.

Hiệp hội kiến nghị Bộ GD&ĐT cần quy định về đánh giá chất lượng của các phương thức tuyển sinh của các trường ĐH theo kết quả học tập của sinh viên trong quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra theo các phương thức tuyển sinh để kiểm soát chất lượng. Bộ cũng cần loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào; yêu câu các cơ sở giáo dục ĐH giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng. Ngoài ra cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp lạ.

Theo hiệp hội, Bộ GD&ĐT nên hạn chế hoặc loại bỏ các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng thực chất chất lượng đầu vào, bằng mọi giá để "vơ vét" người học; cần quy định các sở đại học có tỷ lệ hợp lý cho phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT để bảo đảm tính công bằng. Bộ cũng cần đánh giá sự phù hợp của các kỳ thi riêng, bảo đảm kiến thức của đề thi riêng không vượt quá chương trình học của học sinh cấp THPT để giảm thiểu tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan. Đồng thời, công nhận các kết quả đánh giá năng lực của các trường đại học tổ chức nếu có sự đối sánh tương đồng về năng lực đánh giá của các môn học để miễn thi các môn thi tốt nghiệp THPT cho các thí sinh có ngưỡng điểm bảo đảm theo yêu cầu.

"Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các ĐH, trường ĐH xây dựng các tổ hợp xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của đầu vào ngành học của bậc ĐH; chỉ được đặt thêm các tiêu chí phụ cần thiết đối với những ngành năng khiếu, ngành hot; điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo bậc ĐH để bù đắp các nội dung cơ bản cần có, giảm thiểu số sinh viên phải bỏ học, thôi học do sự thay đổi của CT GDPT 2018, gây lãng phí nguồn lực cho người học và cho xã hội...", Hiệp hội nêu đề xuất.