Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kiến quốc cần có nhân tài

Kinhtedothi - Một trong những vấn đề quan trọng nhất của Đảng ta đó là công tác cán bộ. Cũng vì cán bộ là cái gốc của mọi công việc nên tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành T.Ư khóa XI đã tập trung bàn chuẩn bị nhân sự cho khóa XII.
Bác Hồ và các thành viên Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ và các thành viên Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)
Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc phải lựa chọn cán bộ có tài, có đức cho Đảng. Trong bài viết này xin đề cập một số nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, về việc lựa chọn và sử dụng người tài nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người.

Ai có tài đều được dùng

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã ý thức rõ việc dùng người là quốc sách. Đó không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng có tác dụng trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia, sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Phát huy truyền thống và phương sách dùng người của ông cha ta để lại, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đã đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, nhất là việc phát hiện và sử dụng những người tài.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời với nhiệm vụ cấp bách là xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng, mà trọng tâm là thiết lập bộ máy chính quyền cách mạng, chính quyền của Nhân dân với đội ngũ cán bộ, công chức mới. Muốn xây dựng và kiến thiết thành công Nhà nước dân chủ Nhân dân còn non trẻ cần phải có nhân tài.

Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài: “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc. Người chỉ rõ: “Nay muốn giữ vững nền độc lập chúng ta phải đem hết lòng hăng hái vào kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Người kêu gọi: “Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến,… lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì thực hành ngay”.

Tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được nhấn mạnh trong bài viết: “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc số 411 ra ngày 20/11/1946. Trong bài viết, Người khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Bài viết đã khẳng định quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của nhân tài và tầm quan trọng của việc trọng dụng những người có tài, có đức trong sự nghiệp kiến thiết đất nước.

Nghệ thuật trọng dụng nhân tài

Nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được minh chứng bằng những việc làm cụ thể trong thực tiễn. Sau khi nước nhà giành được độc lập, Người đã trân trọng mời những trí thức, nhân sĩ nổi tiếng, những người có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực, có kỹ năng trong quản lý điều hành bộ máy công quyền tham gia vào các cơ quan của Chính phủ, của các bộ, ngành, của ủy ban hành chính kháng chiến các cấp, động viên họ mang hết tài năng, tâm huyết và kinh nghiệm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc. Trong số đó có nhiều vị là đại quan của Nam Triều như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Vi Văn Định, Phạm Khắc Hòe; có người là nhân sĩ nổi tiếng, những bậc đại khoa như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố; có nhiều người trí thức Tây học nổi tiếng như Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Hà; những tư sản dân tộc yêu nước như Ngô Tử Hạ, Trịnh Văn Bính... Vì đại nghĩa dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân tin tưởng trọng dụng, họ đã vượt qua những mặc cảm phức tạp của quá khứ để nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Trong lịch sử Chính phủ, lịch sử nền công vụ nước nhà, sự kiện nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 3/1946 là điển hình nhất về quan điểm, tài năng, nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo thỏa thuận ngày 23/12/1945 giữa Việt Minh và các đảng đối lập cùng tham gia xây dựng Chính phủ kháng chiến thì người đứng đầu 2 bộ quan trọng là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng phải là nhân sĩ trung lập. Với nhãn quan chính trị vô cùng sắc bén, khôn khéo và nhạy cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mời cụ Huỳnh Thúc Kháng từ Trung Bộ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một chí sĩ yêu nước thuộc hàng tiền bối, là bậc đại khoa có danh vọng và uy tín lớn lao. Việc cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa giúp cho Chính phủ có thêm một nhân sĩ tài năng, đức độ, do đó củng cố thêm sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng Nhân dân, và uy tín của Chính phủ được tăng thêm.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã không quản tuổi cao, cống hiến hết sức mình cho dân, cho nước, tích cực tham gia vào các hoạt động quan trọng của Chính phủ. Cụ cũng đã chỉ đạo đổi mới tổ chức và phương thức làm việc của Bộ Nội vụ, ban hành nhiều nghị định, thông tư, hướng dẫn để hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của chính quyền cách mạng. Từ 31/5 - 21/10/1946, Cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao trọng trách ký các công văn thường ngày và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Với lập trường kiên định, thái độ kiên quyết trong việc đấu tranh với âm mưu chống phá sự nghiệp kiến quốc của các đảng phái phản động, cụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự trông đợi của Nhân dân.

Việc đưa ông Phạm Khắc Hòe vào cơ cấu cán bộ chủ chốt của Bộ Nội vụ - một công chức có trình độ năng lực của chính quyền cũ cũng là một ví dụ minh chứng cho tài năng thu phục lòng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Phạm Khắc Hòe là một nhân sĩ tiến bộ, từng giữ chức Đổng lý văn phòng của vua Bảo Đại. Sau khi được mời làm việc với các chiến sĩ cách mạng tại cơ quan Bộ Nội vụ, ông đã kiên định, tận tâm, tận lực công tác, hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ và Bộ Nội vụ giao phó. Chính nhân sĩ tiến bộ Phạm Khắc Hòe sau này, trong hồi ký của mình, đã viết: “Sau 20 năm chìm đắm trong vũng bùn hôi tanh của chính quyền thực dân phong kiến, tôi vô cùng phấn khởi được góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng cơ cấu chính quyền ruột thịt của Nhân dân và phân biệt được sự khác nhau giữa nền dân chủ tư sản mà tôi hằng “mơ ước” với nền dân chủ Nhân dân, con đẻ của Cách mạng tháng Tám”.

Có thể khẳng định quan điểm trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh những giá trị truyền thống của cha ông ta trong lịch sử, là đỉnh cao của “nghệ thuật” hay “phương sách” dùng người, là yếu tố góp phần làm nên những thành công trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Đặc biệt ngày nay, khi đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thì vấn đề bồi dưỡng, phát triển nhân tài càng trở thành khâu quan trọng. Và, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài chính là “chiếc chìa khóa vàng”, là một trong những định hướng cho toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Lào Cai gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 500kV

Lào Cai gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 500kV

04 Jul, 08:56 PM

Kinhtedothi- Mặc dù các phương án bồi thường và tái định cư đã được phê duyệt, nhưng đến đầu tháng 7/2025, nhiều địa phương vẫn chưa hoàn tất việc chi trả và thu hồi đất cho Dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu khẩn trương tháo gỡ những điểm nghẽn, tránh ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Sẽ vinh danh 20 gương thanh niên sống đẹp tiêu biểu năm 2025

Sẽ vinh danh 20 gương thanh niên sống đẹp tiêu biểu năm 2025

04 Jul, 02:25 PM

Kinhtedothi - Giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2025 sẽ tuyên dương 20 gương thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực. Các cá nhân được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” là những người có những hành động đẹp, tạo sự lan tỏa, truyền năng lượng tích cực cho xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ.

Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

03 Jul, 09:44 PM

Kinhtedothi - Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo cụ thể về tiến độ đối với các công tác: xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ