Kiên quyết nhưng phải triệt để

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội đã xử lý nhiều trường hợp người đi bộ vi phạm Luật Giao thông.

Cụ thể là hành vi đi bộ không đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, sang đường không đúng nơi quy định…

Hiện tượng người đi bộ vi phạm Luật Giao thông thường xuyên diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi trong TP. Tại một số nơi như trên đường Xuân Thủy, đường Giải Phóng…mặc dù cầu vượt bộ hành có lối lên xuống khá thuận tiện, gần điểm chờ xe buýt và cổng trường học, bệnh viện… nhưng nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua đường mà không đi lên cầu. Và cũng đã có không ít tai nạn, thậm chí là tai nạn nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra mà nguyên nhân là những lỗi vi phạm của người đi bộ.

Theo quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn sẽ bị xử phạt từ 60.000 - 100.000 đồng. Nếu người đi bộ không đúng quy định, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông thì phải chịu trách nhiệm hành chính, thậm chí có thể đối diện với án phạt tù cao nhất là 15 năm.

Thượng úy Trịnh Văn Dương cán bộ Đội CSGT số 6, một trong những đơn vị tiến hành việc xử phạt những ngày qua cho biết, khi được nhắc nhở đa phần người đi bộ đều nhận thức được hành vi vi phạm của mình.

Lực lượng CSGT chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không tái phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Từ thực tế người vi phạm chủ yếu là thanh thiếu niên, lãnh đạo Đội CSGT số 6 cho biết, trong thời gian tới, Đội sẽ phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Có thể nói, việc phát hiện, xử phạt, nhắc nhở người đi bộ vi phạm quy định an toàn giao thông là cần thiết và đáng ghi nhận. Và trong thực tế, việc này đã được lực lượng CSGT Hà Nội cũng như một số TP lớn thực hiện từ lâu. Tìm trong báo in và cả báo mạng những năm qua, có thể thấy rất nhiều thông tin về vấn đề này.

Ví dụ như một thông tin đăng tải trên báo điện tử VnExpress, ngày thứ hai, 1/2/2016: Sáng 1/2, nhiều tổ công tác thuộc Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội tập trung ở các quận trung tâm Thủ đô nhắc nhở, xử lý người đi bộ sai phần đường quy định… Trao đổi với VnExpress, thượng úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1 cho biết, việc xử phạt người đi bộ đã có trong luật và quy định từ trước, tuy nhiên do ít bị xử lý nên người đi bộ vi phạm ngày càng nhiều.

"Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, vì vậy bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi sẽ tăng cường xử lý những người vi phạm nhằm răn đe và giúp người dân chấp hành tốt Luật giao thông", thượng úy Đức cho biết”.

Điều thú vị là so sánh đoạn trích trên với một số thông tin của báo chí những ngày giữa tháng 11 vừa qua về việc xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông, có thể thấy rất nhiều nét tương đồng. Cũng cùng lý do, cách tiến hành và những khó khăn, giải pháp mà lực lượng chức năng gặp phải khi xử lý các vi phạm nói trên. Điều đó cho thấy một thực tế đáng buồn: dường như mọi việc đang quay lại điểm xuất phát!

Có vẻ như là thừa, nhưng vẫn cần nói lại. Tác hại của tình trạng xử lý không triệt để nói trên, không chỉ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông, mà đó còn là điều kiện dung dưỡng căn bệnh coi thường pháp luật. Và cũng không chỉ với người đi bộ.

Hiện tượng vi phạm Luật Giao thông như vượt đèn đỏ, đi không đúng phần đường… vẫn diễn ra thường xuyên ở cả người đi xe máy, xe đạp do không được nhắc nhở, xử lý triệt để, kiên quyết.

Nhắc lại để thấy, việc xử lý người đi bộ vi phạm Luật giao thông lần này cần được thực hiện một cách triệt để, kiên quyết, sao cho vài năm nữa câu chuyện đáng buồn này không lặp lại…