Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên quyết thu hồi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Qua thanh tra, Sở TN&MT Hà Nội đã phát hiện hàng trăm dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, sử dụng đất sai mục đích, chậm triển khai GPMB…

Tại buổi giao ban trực tuyến về biện pháp khắc phục, xử lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, diễn ra ngày 11/4, nhiều ý kiến đề xuất, phải kiên quyết thu hồi đất các dự án chậm triển khai.

Đã có 818ha đất bị thu hồi

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, từ năm 2009 đến quý I/2013, Sở TN&MT đã thực hiện thanh kiểm tra 653 tổ chức. Kết quả, 39 dự án với tổng diện tích 425,2ha được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng thực hiện chậm 24 tháng so với tiến độ phê duyệt; 514 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai; 482 dự án sử dụng đất sai mục đích, sử dụng đất không hiệu quả, cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật. Sở TN&MT đã lập hồ sơ và trình UBND TP Hà Nội ban hành 43 quyết định thu hồi đất với tổng diện tích 832,65ha. Cụ thể, 17 quyết định đã thực hiện thu hồi với tổng diện tích 818ha và 26 quyết định đang thực hiện công tác bồi thường thu hồi đất.

Là địa bàn có nhiều dự án chậm triển khai, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông thừa nhận, trên địa bàn quận có 55 dự án chậm triển khai; 3 tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đất đai. Quận đã kiến nghị thu hồi hơn 11.400m2 đất của Công ty Bitis, quá 43 tháng không triển khai dự án. Với các trường hợp cho thuê đất trái thẩm quyền, quận đã đôn đốc và hủy các hợp đồng.

Kiên quyết thu hồi - Ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu tại buổi giao ban trực tuyến. Ảnh: Thái Hồng

 Đại diện Ban Chỉ đạo GPMB TP cho biết, đến thời điểm này, các dự án chậm triển khai GPMB vẫn chưa có chuyển biến nhiều về tiến độ mặc dù đã được nhắc nhở.

Để chấn chỉnh tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai, trong cuộc giao ban trực tuyến với 29 quận, huyện, thị xã, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch quận, huyện, thị xã phải tham dự cuộc họp. Tuy nhiên, dù là vấn đề "nóng", cần phải có biện pháp xử lý triệt để, nhưng ở nhiều đầu cầu, lãnh đạo các quận, huyện lấy lý do bận để "né" cuộc giao ban và ủy quyền cho cấp dưới là trưởng/phó Phòng TN&MT tham dự, báo cáo.

Báo cáo sơ bộ của các quận, huyện cho thấy, trong 132 dự án chậm triển khai, có 15 dự án vướng mắc nhưng được giải quyết đang tiếp tục triển khai; 40 dự án vướng mắc về khiếu kiện, chính sách; 16 dự án thiếu vốn, tái định cư; 7 dự án vượt thẩm quyền giải quyết của UBND TP, đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; 47 dự án chưa triển khai do các nguyên nhân khác nhau.

Về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ông Nguyễn Hữu Nghĩa chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu do các tổ chức không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc thay đổi phương án thực hiện. Nhiều tổ chức khó khăn về vốn để thực hiện các dự án theo tiến độ. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng băng, nhiều tổ chức kinh doanh bất động sản không huy động được vốn, chưa thực hiện dự án theo tiến độ.

Tăng cường thanh tra, xử lý

Liên quan đến việc cho thuê đất trái pháp luật, lãnh đạo các quận, huyện thừa nhận, nhiều xã, phường tự ý cho các hộ dân, tổ chức thuê đất trái thẩm quyền. Các quận, huyện đã chỉ đạo các phường, xã thanh lý việc cho thuê đất. Đối với các dự án giao đất đã lâu, để đất hoang hóa, các quận, huyện đề nghị thanh tra TP, thanh tra Sở TN&MT vào cuộc, xử lý.

Đối với các dự án chưa triển khai do chờ rà soát quy hoạch, Ban Chỉ đạo GPMB TP đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở KH&ĐT chủ trì cùng các sở, ngành liên quan đề xuất giải pháp. Đối với các dự án chậm triển khai do quyết định thu hồi đất hết hiệu lực, đề nghị Sở TN&MT tổ chức thanh tra, rà soát, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải tập trung cao độ để phát hiện các vi phạm Luật Đất đai, xem xét trách nhiệm đó thuộc về phường/xã hay quận/huyện. Phải kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng không cứng nhắc. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ các chủ sử dụng đất thực hiện đúng quy định. Trong thanh tra, kết luận, xử lý phải phân tích được nguyên nhân, tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, chủ sử dụng đất. Phó Chủ tịch TP nhấn mạnh: Nếu nguyên nhân chủ đầu tư chây ì về tài chính, không triển khai dự án, phải kiên quyết thu hồi. Đối với giá đất bồi thường, nếu người dân không đồng ý, các địa phương phải triển khai theo Quyết định 02/2013/QĐ-UBND, đền bù theo hướng sát giá thị trường.

Hiện nay, vẫn còn các trường hợp quận, huyện, thị xã cho thuê đất như thẩm quyền của TP. Vì vậy, các địa phương phải xem xét, rà soát lại. Khi thực hiện công tác GPMB, các doanh nghiệp phải lo vấn đề tái định cư cho dân. Các doanh nghiệp phải báo cáo TP, mua lại quỹ nhà tái định cư để bán lại cho các hộ gia đình.

Ông Vũ Hồng Khanh Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội