Sáng 5/4, kiểm tra BV Đông Đô (phố Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa), Sở Y tế phát hiện 3 loại thuốc (Tanatril 10mg, Kombogly XR và Clarithromycin Stada 500mg) có giá bán cao hơn 10 - 30% so với quy định. Tại nhà thuốc BV, thực phẩm chức năng để lẫn với thuốc, còn trong kho thuốc, các loại thuốc được để chung với... sữa chua trong tủ lạnh bảo quản. Chiều 5/4, Sở Y tế Hà Nội ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của nhà thuốc BV Đa khoa Trí Đức. Trước đó, như Kinh tế & Đô thị đã thông tin, Sở Y tế đã kiểm tra nhà thuốc của BV.Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện một số loại thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng và thuốc bị đình chỉ lưu hành được sắp xếp chung với các loại thuốc đang bày bán. Đặc biệt, cơ sở kinh doanh 2 mặt hàng thuốc phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện là Efferagan và Ultracet nhưng chưa có khu vực bảo quản và không có sổ sách theo dõi. Đoàn cũng phát hiện một mặt hàng có giá bán lẻ cao hơn thị trường. |
Kiên quyết xử nghiêm nhà thuốc vi phạm
Kinhtedothi - Qua đợt kiểm tra chuyên đề về nhà thuốc bệnh viện (BV) của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, vẫn còn nhiều vi phạm cần phải chấn chỉnh. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đã trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.
Sau gần một tháng kiểm tra chuyên đề về dược, ông có thể đánh giá sơ bộ việc các BV thực hiện qui định quản lý dược phẩm?- Để nâng cao chất lượng hoạt động công tác dược trong BV, nhất là hoạt động của các nhà thuốc, năm 2018, Sở Y tế Hà Nội đã lập 2 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn. Từ đầu tháng 3 đến nay, đã kiểm tra gần 30 BV. Theo đó, các BV đều đảm bảo cung ứng thuốc kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân. Khối BV công lập thực hiện nghiêm các qui định về bảo quản thuốc an toàn, kho thuốc bố trí ngăn nắp; Không có tình trạng thuốc hết hạn trong kho, đối với những loại thuốc còn hạn sử dụng ngắn, các BV đều dán tem màu nhằm “cảnh báo”.
Tại các quầy bán thuốc, thực phẩm chức năng được để vào tủ riêng, không chung với các loại thuốc điều trị hay dụng cụ y tế. Danh mục thuốc tại các quầy đều nằm trong quy định. Bên cạnh đó, các BV đã áp dụng phần mềm quản lý chung, nên thuận lợi cho việc quản lý, cấp phát thuốc. Tuy nhiên, đối với khối BV tư nhân, phát hiện nhiều vi phạm, thậm chí có nhà thuốc bị rút Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.Ông có thể nói rõ hơn những vi phạm mà các BV tư nhân hay gặp phải?- Kiểm tra 6 BV tư nhân cho thấy, việc triển khai các qui định quản lý thuốc chưa đầy đủ, kho thuốc lộn xộn, thuốc để lẫn với thực phẩm chức năng, thậm chí thuốc hết hạn để lẫn thuốc đang bán. Có BV giá thuốc cao hơn thặng số bán lẻ cho phép, thậm chí có loại bán cao hơn 30%...Sở Y tế sẽ chấn chỉnh những nhà thuốc vi phạm thế nào?- Trước hết, chúng tôi yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các qui định hiện hành; Cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao quản lý chất lượng thuốc, đảm bảo sắp xếp thuốc khoa học. Qua đợt kiểm tra vừa qua, những nhà thuốc vi phạm đã lập biên bản, chuyển Thanh tra Sở xử lý, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm.Sở Y tế có tái kiểm tra những cơ sở vi phạm?- Chúng tôi đang ráo riết thực hiện đợt tổng kiểm tra các nhà thuốc BV. Tới đây sẽ kiểm tra các BV T.Ư và cả những DN dược trên địa bàn. Những đơn vị viphạm, sẽ chọn xác suất để tái kiểm tra xem khắc phục sai phạm đến đâu.Xin cảm ơn ông!