Kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp ươm tạo “kỳ lân” công nghệ
Kinhtedothi – Để nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, giúp Việt Nam thực sự là trung tâm khởi nghiệp của khu vực, sản sinh ra nhiều “kỳ lân”, trong giai đoan tới, cần có nhiều chính sách đột phá hơn.
Đây cũng chính là quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”.
Hệ sinh thái thiếu sự kết nối
Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những động lực tăng trưởng mới.
Quan điểm này một lần nữa được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, phải thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới. Đây là yếu tố then chốt giúp kinh tế tư nhân bứt phá và vươn tầm quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo, cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các start-up, các “kỳ lân công nghệ” mang tên Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Thực tế, trong một thập kỷ qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự xuất hiện của các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, số lượng startup kỳ lân Việt Nam vẫn còn ít ỏi, do đó cần hệ sinh thái mạnh mẽ để ươm tạo thế hệ “kỳ lân” tiếp theo.
Đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghiệp (Bộ KH&CN) Phạm Hồng Quất cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong 1 thập kỷ qua. Năm 2024, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink.
Hiện tại, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam có hơn 208 quỹ đầu tư, 79 cơ sở ươm tạo và 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Đây là những trụ cột quan trọng giúp startup vượt qua giai đoạn khởi đầu khó khăn và có thể tiến xa hơn trong việc mở rộng quy mô và chinh phục thị trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đối mặt với một số hạn chế như sự thiếu kết nối giữa các quỹ đầu tư và tổ chức hỗ trợ, cùng sự giảm sút vốn đầu tư vào các startup công nghệ.
Bên cạnh đó, chất lượng của dịch vụ được cung cấp bởi trung gian cho các công ty khởi nghiệp có xu hướng thấp; có những khoảng trống tài chính của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các dự án dựa trên kỹ thuật, khoa học; thiếu nguồn lực nghiên cứu; các trường đại học bị giới hạn bởi việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ, thiếu kỹ năng và nguồn lực để chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu...
Cần nhiều chính sách đột phá
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã cơ bản bước qua giai đoạn đầu tiên, đang bước sang giai đoạn mở rộng và kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới. Tuy nhiên, để sớm có thêm nhiều “kỳ lân” trong lĩnh vực khởi nghiệp, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Hàn Quốc, ông Lim Jungwook - Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp Hàn Quốc khuyến nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo cơ chế thúc đẩy phát triển hệ sinh thái, tạo hành lang giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Còn theo ông Phạm Hồng Quất, để nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia giúp Việt Nam thực sự là trung tâm khởi nghiệp của khu vực, sản sinh ra nhiều “kỳ lân”, trong giai đoan tới, cần có nhiều chính sách đột phá hơn nữa trong việc tạo nguồn lực, thị trường cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy liên kết, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước.
Cần phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, bổ sung các quy định mới trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Làm rõ khái niệm, nội hàm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Đặc biệt, hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát triển, từ “đóng” sang “mở”. Mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng cần chủ động, tích cực trở thành đối tác với các chủ thể trong hệ sinh thái, thay vì chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ.
Ở cấp độ địa phương, cần có những giải pháp chính sách sáng tạo, đặc thù để thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt cần khai thác hiệu quả nguồn chuyên gia, cố vấn của các tổ chức quốc tế và mạng lưới sinh viên, nghiên cứu sinh, doanh nhân, nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài.
Phía các doanh nghiệp, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội cũng cần tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các start-up, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm đổi mới sáng tạo...

Cần Thơ: thanh niên khởi nghiệp thành công nhờ nuôi cá nhiều màu sắc
Kinhtedothi - Nhờ vào việc chăm sóc và kinh doanh cá bette, anh Võ Thanh Hải (28 tuổi, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) trở thành chủ trại cá có tiếng, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Khởi nghiệp với tiểu cảnh sen đá, cô gái thu nhập 15 triệu đồng/tháng
Kinhtedothi - Tận dụng diện tích sân thượng khoảng 20m2, chị Nguyễn Thanh Tú (30 tuổi, ngụ tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trồng sen đá làm tiểu cảnh, thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Hỗ trợ khung pháp lý cho doanh nghiệp, thanh niên khởi nghiệp
Kinhtedothi - Chiều 12/3, Thành đoàn Hà Nội tổ chức hội thảo Khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp muốn ứng dụng công nghệ tiên phong mới trên thế giới tại Việt Nam.