Từ đó việc nghiên cứu, định hướng và thiết kế không gian nội thất cho những ngôi nhà ở đô thị là vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay.
Áp lực về môi trường sống
Theo tìm hiểu, với 98,51 triệu dân (năm 2021), Việt Nam đã trở thành nước đông dân thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và Phillipines). Bên cạnh đó, khi bước vào thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhờ tác động của tăng trưởng kinh tế nên thu nhập bình quân đầu người của nước ta đã tăng từ 100 USD năm 1990 lên 4.284 USD vào năm 2023.
Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, từ 23,7% năm 1999 lên trên 42,6% năm 2023, đã kéo theo sự thay đổi về phân bố dân số, theo đó dân số sống tại các đô thị chiếm xấp xỉ 39% tổng quy mô và đóng góp hơn 1 nửa GDP của cả nước. Nhưng mặt trái của nó là gây ra nhiều áp lực về môi trường sống.
Cụ thể, hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số, gây quá tải về giao thông, dịch vụ công cộng, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề về nhà ở ngày càng trở nên phức tạp, khó khăn hơn. Số liệu nghiên cứu thị trường từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong giai đoạn 2021 - 2025 chỉ tính riêng tại Thủ đô Hà Nội bình quân mỗi năm thiếu khoảng 50.000 sản phẩm nhà ở; dự báo đến năm 2025 khi tốc độ đô thị hóa của Hà Nội sẽ đạt khoảng 62%, tăng lên 75% vào năm 2030, thì người dân Thủ đô cần thêm trên 420.000 sản phẩm nhà ở.
Trước bối cảnh tốc độ đô thị hóa cao, dẫn đến thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ, sản phẩm nhà ở là chung cư đang chiếm ưu thế. Nhưng với những thách thức về môi trường sống và thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, việc phát triển những sản phẩm nhà ở mang tính bền vững, thân thiện là xu hướng tất yếu và nó cũng buộc xu hướng về vật liệu xây dựng, nội thất phải thay đổi, vừa có tính ứng dụng cao, giúp cải thiện những hạn chế vừa đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng sống của người dân.
TS. NTK Lưu Việt Thắng - Trưởng khoa Trang trí nội ngoại thất (Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội).
Tuy nhiên, Chương trình Phát triển nhà ở của Hà Nội cũng đặt mục tiêu diện tích nhà ở mới là 33,2 triệu m2 sàn từ nay tới năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 29,5m2/người. Các số liệu này cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung là 95.800 sản phẩm nhà ở, kéo theo đó là mức giá bán nhà ở các đô thị cũng tăng chóng mặt. So với đầu thập nhiên 1990, giá nhà thời điểm hiện tại đã tăng gấp trên 20 lần; đặc biệt trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhà ở tại Hà Nội tăng bình quân 13 - 15%/năm, với mức 50 - 55 triệu đồng/m2 trên thị trường sơ cấp, đã tạo điều kiện cho thị trường thứ cấp leo thang.
“Nhu cầu về nhà ở luôn là vấn đề bức thiết với các đô thị hiện nay, do tốc độ đô thị hóa và dân số gia tăng nhanh dẫn đến việc thiếu hụt về nguồn cung nhà ở, kéo theo những vấn đề về chất lượng sống giảm sút, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Vấn đề này không chỉ đặt ra giải pháp cấp thiết cho Chính phủ, chính quyền các đô thị mà cho cả chính những nhà phát triển BĐS. Từ đó việc xây dựng những công trình nhà ở có không gian sống lí tưởng, tiện ích, hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời tích hợp nhiều yếu tố công nghệ thông minh và luôn hướng đến việc bảo vệ môi trường đang là vấn đề rất được quan tâm hiện nay.
Trong đó, giải pháp về trang thiết bị kỹ thuật nội thất sẽ có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng không gian sống cho người dân” - PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương - Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam nhìn nhận.
Để an toàn trong không gian sống
Trước sự quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và áp lực ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính... những năm gần đây, người dân ngày càng có yêu cầu cao hơn khi lựa chọn một không gian sống. Ở đó, ngôi nhà không chỉ đơn thuần làm nơi che nắng, che mưa mà cần phải có không gian sống, thiết kế nội thất để mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn, vừa bảo đảm sức khỏe và là nơi tái tạo năng lượng phục vụ công việc, cuộc sống hàng ngày.
Theo TS.KTS Nguyễn Việt Huy - Chủ tịch Hội KTS Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, hiện nay tại đô thị, nhà ở được phân loại thành các không gian kiến trúc nội thất chính, gồm: nhà chung cư, nhà phố (nhà ống) và biệt thự. Cho dù thiết kế theo mô hình nào chăng nữa, thì việc bảo đảm an toàn trong không gian sống đó phải bao gồm những yếu tố: an toàn cho đối tượng sử dụng đặc biệt là người già, trẻ nhỏ; an toàn về thiên tai (hỏa hoạn, lũ lụt, mưa giông); cung ứng tiện ích dịch vụ thiết yếu (điện, nước, internet); và đặc biệt là vấn đề sử dụng các loại vật liệu, hóa chất trong quá trình triển khai thi công xây dựng.
“Do tốc độ đô thị cao, dân số tăng nhanh nên các đô thị sẽ phát triển những khu nhà ở theo dạng “nén” (chung cư cao tầng) và có xu hướng ngày càng thiết kế nhỏ hơn, bởi những căn hộ rộng rãi đang trở thành thứ hàng “xa xỉ” không phải người dân nào cũng mua được. Từ đó đặt ra bài toàn, với một không gian nhỏ như vậy thì làm sao để khai thác tối đa công năng, kiến tạo không gian nhằm tránh cảm giác bị bó hẹp. Câu trả lời ở đây đó chính là giải pháp linh hoạt trong thiết kế nội thất để tổ chức không gian sống cho một ngôi nhà ở đô thị” - TS. KTS Nguyễn Việt Huy nói.
Ở Việt Nam, xu hướng thiết kế nội thất cho một ngôi nhà thông minh tăng mạnh thời gian gần đây với việc thừa hưởng những thành tựu nổi bật của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo số liệu của Công ty cung cấp báo cáo thị trường Statista (Đức), doanh thu trên thị trường nhà thông minh năm 2022 ở Việt Nam đạt 232,3 triệu USD. Tổng doanh thu thị trường này vào năm 2027 được dự báo đạt 460,1 triệu USD với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - đo lường và so sánh hiệu suất của các khoản đầu tư trong quá khứ và lợi nhuận dự kiến tương lai) là 12,51%. Trong khi đó, thời gian gần đây, thu nhập bình quân đầu người tại các đô thị lớn tăng mạnh.
Cụ thể, tại Hà Nội năm 2023 là 151 triệu đồng/người/năm, dự kiến trong năm 2024 sẽ tăng lên 160 - 160 triệu đồng/người/năm. Với việc thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt, sẽ kéo theo nhu cầu về nâng cao chất lượng không gian sống tiếp tục tăng lên. Vì vậy, giải pháp về thiết kế nội thất cho các ngôi nhà càng trở nên quan trọng, phải đáp ứng đồng thời tính khoa học, tính thực tiễn và tính nghệ thuật.
“Hệ thống thiết bị kỹ thuật cần thiết cho nội thất của một công trình nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu của con người. Có vai trò quan trọng trong việc nâng cao điều kiện tiện nghi và an toàn như các điều kiện về ánh sáng, âm thanh, chất lượng không khí, an toàn cháy, chống đột nhập, thông tin liên lạc... tất cả những yếu tố này đều hướng đến yêu cầu để người dân được an toàn trong không gian sống của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, kiến thiết không gian sống cho nhà ở đô thị phải chú trọng yếu tố an toàn” - PGS. TS.KTS Vũ Hồng Cương - Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam nhận định.