Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên trì thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải được duy trì, thúc đẩy một chương trình cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới, nâng cấp ở mức độ cao hơn nữa.

Lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết (từ năm 2014 đến 2018 là Nghị quyết 19/NQ-CP; từ 2019 đến 2021 là Nghị quyết 02/NQ-CP). Các Nghị quyết trên yêu cầu bộ, cơ quan, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển mạnh cơ chế quản lý sang hậu kiểm; áp dụng phương thức quản lý trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật của DN trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan.

 Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Trong năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bị ảnh hưởng. Để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát, cập nhật tình hình khó khăn của DN nhằm kịp thời hỗ trợ.

Trưởng ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn chia sẻ, rất ấn tượng với hoạt động của Chính phủ thời gian qua. Dù rất bận rộn nhưng Thủ tướng vẫn tổ chức tới 5 cuộc đối thoại với từng nhóm nhà đầu tư nước ngoài, mỗi cuộc đối thoại kéo dài 4 - 5 tiếng, điều này chứng tỏ Chính phủ rất lắng nghe và cầu thị. 

Còn ở địa phương, một số địa phương đã có những cách làm rất hay đồng hành cùng nhà đầu tư. Các địa phương đã lập tổ công tác, đưa ra chương trình (Tổ công tác chăm sóc các nhà đầu tư) do chủ tịch hay một phó chủ tịch UBND tỉnh, TP phụ trách có nhiệm vụ hỗ trợ nhà đầu tư, xem họ có khó khăn gì để đồng hành tháo gỡ.

Nổi bật như ở Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng… TP Hải Phòng công bố công khai thủ tục của địa phương giảm một nửa so với Trung ương và để DN giám sát. Hà Nội cũng là một trong số các địa phương sớm nhất trong cả nước chủ động xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025. TP đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong 9 tháng năm 2021, các cơ quan của TP đã rà soát, đề xuất đơn giản hóa 87 thủ tục hành chính cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sắp tới Hà Nội tổ chức đối thoại với DN trong nước và DN nước ngoài… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và nhà đầu tư, xây dựng các chính sách kiến tạo phát triển của TP.

“Để giữ chân các nhà đầu tư, nhiều địa phương quan tâm tới chất lượng thực thi chính sách hơn là ban hành chính sách và tuyên bố chính sách. Đây là sự chuyển đổi mạnh mẽ tại một số địa phương hiện nay”- ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam TS Vũ Tiến Lộc đánh giá, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư trong trung và dài hạn. Vừa qua chúng ta đã đi bước dài trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tục đầu tư hành chính đã cải thiện rất nhiều. Nguồn nhân lực của Việt Nam đang tương đối thuận lợi; những chính sách cởi mở trong thu hút đầu tư. Chiến lược phát triển DN tư nhân trong nước cũng đã thành công, thể hiện qua số lượng DN thành lập mới tăng trong thời gian qua. 

Để niềm tin kinh doanh trở lại

9 tháng năm 2021, tổng số DN thành lập mới đạt khoảng 85.500 DN giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; số DN rút lui khỏi thị trường là 90.300 DN, tăng 15,3%. Bình quân một tháng, có 10.000 DN rút lui khỏi thị trường.

''Đây là lúc Chính phủ đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa cho người dân, DN để có thể phản ứng nhanh nhạy với những khó khăn” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực Asean. Cần nhanh chóng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh tháo gỡ khó khăn cho DN và vực dậy nền kinh tế. 

Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, quá trình thực thi chính sách cải cách cho thấy kết quả cải cách chưa đồng đều, tính hiệu lực hiệu quả còn chưa như yêu cầu đặt ra. Số lượng dịch vụ công trực tuyến cải thiện mạnh mẽ, nhưng cần thực chất hơn.

“Cùng với việc hỗ trợ trực tiếp thông qua chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, như đẩy mạnh đầu tư công, giãn, hoãn nợ, hỗ trợ về lãi vay, miễn giảm thuế và các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội… thì tăng cường cải cách thủ tục, nhất là cởi bỏ những thủ tục phiền hà “đẻ” ra trong quá trình phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua là vô cùng quan trọng”- bà Thảo bày tỏ.

Việt Nam vẫn phải duy trì, thúc đẩy một chương trình cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới để môi trường kinh doanh được nâng cấp ở mức độ cao hơn nữa. Những vấn đề hạ tầng, chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân lực là những vấn đề truyền thống, nhưng Việt Nam vẫn cần cải cách mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư …

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực tới nhiều ngành nghề, sự linh hoạt của DN thật sự cần thiết và cần được hỗ trợ. Đây là lý do thời gian qua, trong các đề xuất của VCCI gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư - kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành vẫn được đặt lên hàng ưu tiên số một. Đặc biệt, VCCI đề nghị mở rộng tích hợp thủ tục kiểm tra chuyên ngành trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, tăng cường cơ chế giám sát công vụ, giám sát độc lập hệ thống dịch vụ công trực tuyến để bảo đảm sự vận hành thông suốt.

Cùng với đó, tạo môi trường kinh doanh cho các DN kinh tế số cũng được coi là điều kiện để thúc đẩy các DN tham gia các cơ hội kinh doanh mới. Theo ông Đậu Anh Tuấn, khi DN sẵn sàng với những thay đổi của thị trường, thì môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn là động lực quan trọng giữ chân DN, người kinh doanh. “Vì vậy, cải thiện môi trường kinh doanh liên tục, với nỗ lực cao hơn vẫn là điều mà DN luôn chờ đợi và cũng là mục tiêu mà Chính phủ cần tiếp tục đặt trọng tâm” - ông Tuấn khuyến nghị. 

Môi trường kinh doanh thuận lợi là một nhân tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm gánh nặng về quy định cho DN. Hoạt động về cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, các quy định trong các luật đang là trọng tâm của Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới. Đây là một điểm yếu được chỉ ra trong những năm qua. Chưa bao giờ có một đạo luật sửa 10 luật hiện đang được Chính phủ trình Quốc hội, dự kiến sẽ được thông qua vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sắp tới. Nội dung của đạo luật này là tập trung tháo gỡ các rào cản vướng mắc, phân cấp nhiều hơn cho chính quyền địa phương, điều này sẽ thúc đẩy đầu tư. Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam TS Vũ Tiến Lộc