Đề xuất phân cấp thêm quyền hạn cho Thường trực HĐND trong lĩnh vực đầu tư, đất đai
Kinhtedothi - Ngày 14/5, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu Quốc họi đề xuất giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh; tăng thẩm quyền cho HĐND cấp xã trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) góp ý vào nội dung tại khoản 9, điều 15 về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh trong giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án tỉnh và giám sát hoạt động của các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước tại địa phương.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) - Ảnh: Quochoi.vn
Bên cạnh đó, nữ đại biểu tỉnh Thái Bình cũng quan tâm đến quy định tại khoản 5, điều 33 về quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chủ tịch UBND, các thành viên UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND cùng cấp. Để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, kể cả trong Hiến pháp và trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu đề nghị giữ lại quyền này của đại biểu HĐND nhằm thực thi tốt quyền giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn.
Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, chất vấn là một công cụ giám sát quan trọng nhằm đảm bảo các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm giải trình trước Đại biểu dân cử và Nhân dân. Vì vậy, việc duy trì quyền chất vấn là cần thiết để đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn tỉnh Bình Dương) đề xuất giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND và kiến nghị bổ sung thêm đối tượng chất vấn là cơ quan Nhà nước khác trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương và đối tượng được đại biểu HĐND chất vấn tại khoản 2, Điều 115 của Hiến pháp.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) - Ảnh: Quochoi.vn
Mở rộng thẩm quyền về kinh tế, tài chính cho HĐND cấp xã
Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) cho biết, về nhiệm vụ, quyền hạn HĐND tại điều 21 Dự thảo Luật hiện chưa có quy định giao thẩm quyền cho HĐND cấp xã được ban hành các chế độ, nội dung chi, mức chi cho các hoạt động của HĐND cấp xã.
Đại biểu cho rằng, thẩm quyền trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách của HĐND cấp xã còn hẹp, cần tiếp tục phân cấp, mở rộng thêm thẩm quyền. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền của HĐND cấp xã trong việc huy động các nguồn lực của Nhân dân.
Quan tâm đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND (điều 31 dự thảo Luật), đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) đồng tình việc bổ sung, giao thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND trong việc phân bổ tăng thu; quyết định một số chế độ chi ngân sách cho một số nhiệm vụ để tăng tính chủ động cho Thường trực HĐND, giảm bớt các kỳ họp chuyên đề của HĐND.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) - Ảnh: Quochoi.vn
Tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị tiếp tục ra soát, quy định phân cấp thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho Thường trực HĐND được quyết định thêm một số việc trong lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực đất đai, lĩnh vực tài chính ngân sách, trong một số trường hợp cần thiết phát sinh giữa hai kỳ họp thường lệ.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, điều 21 dự thảo Luật nên quy định riêng một nội dung về nhiệm vụ của HĐND xã là phải đề ra các biện pháp thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia chứ không chỉ riêng Chương trình xây dựng nông thôn mới vì còn rất nhiều chương trình khác như chương trình giảm nghèo, phát triển văn hóa, phòng chống ma túy...
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc nhân rộng và mở rộng mô hình là đại biểu HĐND chuyên trách ở các Ban của HĐND là phù hợp. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách của các Ban của HĐND.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn TP Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn
Phát biểu tiếp thu, giải trình sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương; tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và nhấn mạnh, sẽ hoàn thiện để phạm vi bao quát đầy đủ, toàn diện, đảm bảo được tính chặt chẽ và thực chất; tăng cường được vai trò hoạt động của HĐND, UBND.

Thống nhất nội dung dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Kinhtedothi - Nghị quyết 18/NQ-CP về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa được Chính phủ ban hành.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi): bảo đảm nguyên tắc "rõ người, rõ việc"
Kinhtedothi - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã quy định rõ việc phân quyền phải bằng luật. Cơ quan nhận phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp...

Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi): đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Kinhtedothi - Sáng 19/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).