Trước khi biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 50 điều, giữ nguyên về số điều nhưng đã có sự chỉnh lý tại 41/50 điều so với dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại đầu kỳ họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, có ý kiến đề nghị thể chế hoá quan điểm chỉ đạo về “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” trong dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến nêu trên và đã chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật, bảo đảm bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, bảo đảm phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, “cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó”, đặc biệt là quy định tại Điều 4 (Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương), Chương III (Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp) và các quy định tại Chương IV về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương từng cấp.
Có ý kiến đề nghị bổ sung một điều giải thích các thuật ngữ phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Một số ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến nêu trên và rà soát, chỉnh lý quy định tại các điều 12, 13 và 14 của Dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất, phù hợp với vai trò, tính chất của mỗi chủ thể, rõ ràng về điều kiện bảo đảm và cơ chế chịu trách nhiệm trong thực hiện phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Về khái niệm phân quyền, phân cấp, ủy quyền, Luật Tổ chức Chính phủ vừa được Quốc hội thông qua đã có quy định cụ thể nên xin phép không nhắc lại trong Luật này để tránh trùng lặp.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành văn bản để điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền khi việc phân cấp dẫn đến thay đổi trình tự, thủ tục hành chính; ý kiến khác cho rằng, quy định này khó khả thi do trình tự, thủ tục đang được quy định trong các luật, nghị định nên UBND tỉnh không có thẩm quyền điều chỉnh và dễ tạo sự thiếu thống nhất trong việc thực hiện ở các địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giao UBND cấp tỉnh điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp trong trường hợp phân cấp dẫn đến cần thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền đang được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên là hết sức cần thiết.
Giải pháp này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh phân cấp, phù hợp với chủ trương địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm cũng như tinh thần “lấy thực tiễn là thước đo, giải quyết hết những điểm nghẽn”, “không vì những quy trình, thủ tục cứng nhắc làm chậm sự phát triển của đất nước” và yêu cầu “quản lý theo kết quả” thay vì “quản lý theo quy trình” theo chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua. Hơn nữa, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) cũng không hạn chế việc quy định về trình tự, thủ tục trong văn bản quy phạm pháp luật của UBND nên không làm ảnh hưởng đến tính khả thi của quy định tại dự thảo Luật.
Với 458/459 phiếu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025.