Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến trúc xanh là như thế

KTS Phạm Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 1. Bây giờ, cụm từ Kiến trúc xanh (Green Architecture) hay Công trình xanh (Green Building) đã trở nên rất quen thuộc trong đời sống xã hội, là cụm từ hot nhất, được nhắc nhiều nhất trong giới kiến trúc sư (KTS) và giới đầu tư - kinh doanh bất động sản.

Từ khi ra đời đến nay, các tiêu chí của kiến trúc xanh chỉ mang tính khuyến cáo, chứ chưa bao giờ được luật hóa nhưng các KTS (hay gần đây là các chủ đầu tư), mỗi khi thiết kế (hoặc xây dựng) một dự án kiến trúc bất kỳ nào đó có quy mô lớn hay nhỏ, thấp tầng hay cao tầng... xây dựng ở khu vực đồng bằng hay vùng trung du, miền núi thì cũng cố gắng sáng tác theo hướng kiến trúc xanh. Điều này khẳng định, ở nước ta, kiến trúc xanh đã và đang trở thành xu hướng kiến trúc tiến bộ nhất trong thế kỷ XXI.
Khu đô thị xanh vinhomes Long Biên. Ảnh: Chiến Công
Vậy kiến trúc xanh là gì, bản chất của nó được thể hiện trong kiến trúc như thế nào, sự khác biệt giữa kiến trúc xanh và công trình xanh ra sao? Về bản chất, kiến trúc xanh và công trình xanh giống nhau vì đều hướng đến mục tiêu là thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống; giảm thiểu tiêu thụ năng lượng bằng sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo; tạo môi trường sống xanh, sạch, an toàn cho con người và phát triển bền vững. Nếu có khác là các tiêu chí của công trình xanh có tính định lượng, được xác định cụ thể bằng thuật toán, đo đếm bằng các con số thông qua máy móc và sử dụng tiến bộ của khoa học công nghệ (như máy điều hòa không khí, kính chống nhiệt, vật liệu không nung, trí tuệ nhân tạo...).
Còn tiêu chí của kiến trúc xanh chỉ mang định tính, đề cao sáng tạo của KTS, dùng thủ pháp của nghệ thuật kiến trúc kết hợp với việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và công nghệ để đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Vì thế, kiến trúc xanh có tính văn hóa (kết thừa và phát huy), tính xã hội, tính cộng đồng rất cao (phổ cập, ứng dụng) và tính thẩm mỹ, nghĩa là phải đẹp! Chính sự khác biệt này này đã giúp chính quyền đô thị có cái nhìn tích cực hơn trong quản lý sử dụng các không gian công cộng (công viên, hồ nước, cây xanh, thảm cỏ…) và khuyến khích cư dân trồng cây xanh, trồng hoa trên mái, trên ban công, lô gia tại các ngôi nhà, căn hộ của mình cũng như giữ gìn nơi chốn “xanh - sạch - đẹp”?!
2. Ở nước ta, khái niệm về kiến trúc xanh xuất hiện vào giữa những năm đầu của của thế kỷ XXI, qua tác phẩm kiến trúc độc đáo “Cà phê Gió và Nước” được làm hoàn toàn bằng vật liệu tre (tầm vông), lá truyền thống của KTS Võ Trọng Nghĩa, xây dựng tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương - 2006). Công trình này đã từng được trao Giải thưởng Kiến trúc quốc gia và nhiều giải thưởng quốc tế danh giá khác.
Nhưng chỉ từ năm 2011 đến nay, với sự ra đời Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam (với 5 tiêu chí) cùng sự kiên trì vận động của Hội KTS Việt Nam, kiến trúc xanh đã phát triển mạnh mẽ trở thành một xu hướng kiến trúc tiến bộ được giới KTS hưởng ứng, xã hội quan tâm. Còn trong lịch sử phát triển kiến trúc của dân tộc, các tiêu chí mà kiến trúc xanh thời hiện đại đang hướng tới, đã từng thấm đẫm một cách tự nhiên trong kiến trúc Việt qua hàng ngàn năm.
Nông thôn đồng bằng Bắc Bộ được tạo nên bởi những quần cư sinh sống của các dòng họ, dòng tộc quây quần thành làng, thành xóm với lũy tre xanh bao bọc. Những ngôi nhà hai gian hay ba gian hai chái có tường vách bằng đất trộn rơm, mái lợp rạ, hệ khung nhà làm bằng tre liên kết với nhau qua các con sỏ, chốt, lạt buộc (cũng từ tre) được dựng trên nền đất đầm chặt, hướng về phía Nam để đón gió mát về mùa Hè, tránh nắng phía Tây và gió lạnh về mùa Đông. Khuôn viên của từng gia đình nông dân được bố trí rất khoa học (theo kinh nghiệm dân gian truyền thống) như có nhà chính (nơi ở và thờ tự), nhà phụ (là bếp, kho, chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm).
Trước nhà có sân phơi, bể chứa nước mưa, vườn cây ăn trái như chanh, bưởi và vài ba cây cau, sau nhà là rặng chuối. Nhiều nhà còn đào ao thả cá, bèo hoa, hay rau muống để có thức ăn cho người và phục vụ chăn nuôi. Ao vừa là nơi chứa nước khi mưa to gây ngập úng, vừa làm chức năng điều hòa khí hậu cho ngôi nhà trong những ngày hè nóng bức. Xưa khuôn viên nhà này ngăn cách với nhà kia không bằng tường rào xây, mà chỉ là bờ rào tre đơn giản làm chỗ dựa cho hàng rau ngót, mồng tơi xanh mướt hay dâm bụt đỏ rực cánh hoa. Một vài nơi ở vùng Sơn Tây có loại đất quý, màu vàng thổ, ở sâu dưới lớp đất. Khi khai thác thì rất mềm, nhưng đưa lên mặt đất thì cứng lại, gọi là đá ong.
Từ xưa đến nay, người dân vùng này đã biết khai thác sử dụng loại đất quý này để xây dựng nhà ở, công trình công cộng của làng… tạo nên một thứ kiến trúc nông thôn xứ Đoài rất đặc sắc tồn tại và phát triển đến ngày nay như làng cổ Đường Lâm là ví dụ.
Những ngôi nhà nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ cùng với đình làng, chùa làng, cổng làng… và nhà ở của bà con các dân tộc miền núi đã tạo nên một kho tàng kiến trúc Việt vô cùng phong phú, đặc sắc, bình dị, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên, với con người thấm đẫm tính văn hóa, tính nhân bản.
3.Hiện nay, xu hướng kiến trúc xanh đã và đang được các KTS và các nhà đầu tư bất động sản ứng dụng vào trong thiết kế kiến trúc các công trình nhà ở (cao tầng hay thấp tầng, biệt thự) và công trình công cộng (như trường học, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí) tại các khu đô thị mới. Đây là sự phát triển tích cực của kiến trúc.
Với mật độ xây dựng chỉ từ 20 - 30%, với các thiết kế theo hướng kiến trúc xanh, nhiều khu đô thị mới do các chủ đầu tư lớn có uy tín thực hiện đã đem đến cho người dân một không gian sống xanh, một nơi cư trú an toàn, bền vững và thân thiện. Đó chính là những nơi đáng sống!

Thế nhưng, môi trường sống của xã hội không chỉ bó hẹp với các khu đô thị mới, mà nó là vùng nông thôn hay các TP, đô thị hiện hữu với lịch sử phát triển hàng trăm năm là những tổ hợp quần cư rất lớn có địa giới hành chính rộng vài chục đến vài ngàn kilomet vuông, có dân số từ vài trăm ngàn đến chục triệu người do Nhà nước quản lý. Vì thế việc đưa kiến trúc xanh vào cuộc sống không chỉ là trách nhiệm của nhà đầu tư kinh doanh bất động sản, của KTS mà hơn hết, có tính quyết định là trách nhiệm của chính quyền đô thị, của các nhà lập quy hoạch và ý thức của mỗi người dân.
Một đô thị xanh phải là đô thị có môi trường sống xanh với một tổng thể những không gian xanh và công trình kiến trúc xanh đơn lẻ được sắp xếp hài hòa và được quản lý theo quy hoạch của kiến trúc đô thị, cho dù là khu phố cũ hay khu phố mới. Một đô thị có nhiều công viên, hồ nước, thảm cỏ, vườn hoa được quan tâm, thường xuyên chăm sóc; các đường phố rợp mát cây xanh, không bị ngập úng mỗi khi có mưa lớn với các phương tiện giao thông công cộng hay cá nhân sử dụng nguyên liệu sạch, không xả thải khí độc; những công trình đang xây dựng được che chắn an toàn… sẽ tạo nên một môi trường sống xanh.
Một đô thị mà cư dân luôn biết tuân thủ pháp luật, xây dựng hay cải tạo nhà ở theo giấy phép, có văn hóa ứng xử nơi công cộng, không xả rác thải, nước thải bừa bãi ra đường phố… biết chăm chút không gian ở của mình luôn sạch sẽ, xanh mát hoa lá trên ban công, trên từng mái nhà sẽ góp phần làm cho đô thị trở nên xanh và thân thiện với thiên nhiên, với con người.
Một chính quyền đô thị với những người lãnh đạo xanh, có tri thức, có văn hóa, có năng lực quản trị và liêm chính sẽ có nhiều biện pháp hiệu quả để xây dựng đô thị trở nên xanh và phát triển bền vững.