Kiều hối vào mùa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dòng kiều hối vẫn đang không ngừng gia tăng, nhất là vào dịp cuối năm. Theo nhiều dự báo, kiều hối năm nay tiếp tục tăng trưởng tốt.

Dự báo tăng mạnh vào cuối năm

"Năm ngoái, lượng kiều hối của TP Hồ Chí Minh đạt 5 tỷ USD, dự kiến năm nay sẽ tăng thêm ít nhất 10%, lên khoảng 5,5 tỷ USD" - ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết. Tại Hà Nội, đến thời điểm này chưa có con số chính thức. Nhưng cùng với TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối năm nay của Hà Nội dự kiến cũng sẽ tăng cao khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm kiều hối chảy mạnh về.
Lượng kiều hối tăng mạnh vào dịp cuối năm.  	Ảnh: Việt Linh
Lượng kiều hối tăng mạnh vào dịp cuối năm. Ảnh: Việt Linh
Theo nhận định của lãnh đạo NHNN, lượng kiều hối tăng qua các năm chủ yếu do NHNN và từng ngân hàng thương mại liên tục đưa ra những chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Các giải pháp mở rộng mạng lưới chuyển tiền và chi trả kiều hối được thực hiện đa dạng… tạo thuận lợi cho hoạt động gửi tiền về nước của người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong những năm qua, Nhà nước có chủ trương khuyến khích kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh; cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ không giới hạn số lượng, đồng thời được miễn trừ toàn bộ thuế thu nhập cá nhân cho số kiều hối nhận được, đã tạo nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn cho nền kinh tế.
Ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc VietinBank

Năm nay, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân được điều chỉnh giảm sâu khiến không ít chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ ảnh hưởng đến nguồn kiều hối về Việt Nam để gửi tiết kiệm bằng USD. Tuy nhiên, phía ngân hàng lại cho biết, lượng kiều hối gửi tiết kiệm chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh chiếm trên 70,6% tổng kiều hối chuyển về Việt Nam; tỷ lệ kiều hối đầu tư vào bất động sản (BĐS) chiếm khoảng 20,7%. Hỗ trợ cho người thân trong việc chữa bệnh, du lịch… chiếm khoảng 6 - 7%. “Một điểm khá quan trọng, dòng kiều hối cuối năm nay được dự báo sẽ chảy mạnh hơn khi các kênh đầu tư trong nước hồi phục, nhất là thị trường BĐS. Đặc biệt từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi có hiệu lực với quy định thông thoáng hơn cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà, sẽ thúc đẩy lượng ngoại hối đổ mạnh vào BĐS. Hơn nữa, nhờ chính sách vĩ mô ổn định, thị trường kiều hối năm nay khả năng tiếp tục tăng” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Ngân hàng hút kiều hối - lợi ích kép

Thời điểm này, nhiều ngân hàng đã triển khai những chương trình ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn dành cho khách hàng nhận tiền kiều hối. Cung cấp dịch vụ này, ngân hàng không chỉ thu được phí dịch vụ mà còn có cơ hội mua lại ngoại tệ của khách hàng. “Nếu có nguồn cung ngoại tệ tốt là có lợi thế trong kinh doanh ngoại hối - mảng kinh doanh vốn mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. Chính bởi vậy, các ngân hàng tích cực đẩy mạnh đầu tư cho dịch vụ gửi, nhận kiều hối nhằm gia tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực này” - tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ.

 Nhiều nhà băng đã chủ động hợp tác và ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ chi trả kiều hối với các công ty chuyển tiền toàn cầu như Western Union, Xpress Money, Wells Fargo… tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp cận nhiều dịch vụ chi trả đa dạng và nhanh chóng, thuận tiện. Thời gian qua, VietinBank đã hợp tác với Wells Fargo - một trong những ngân hàng lớn nhất của Mỹ để triển khai dịch vụ chuyển tiền đặc biệt từ Mỹ về Việt Nam - Wells Fargo ExpressSend. Đồng thời, từ ngày 1/12/2015 đến hết ngày 20/1/2016, khách hàng được tham gia chương trình “Vui xuân mới, nhận tiền lĩnh quà” với nhiều phần quà giá trị. Hay như Vietcombank đã triển khai chương trình “Kiều hối trao tình thân, tích lũy nhận tiền thưởng” kéo dài đến hết 31/12/2015, áp dụng cho tất cả các khách hàng cá nhân nhận tiền từ nước ngoài chuyển về tại các quầy giao dịch hoặc qua tài khoản thanh toán cá nhân mở tại Vietcombank… Hiện, kiều hối về qua các ngân hàng chủ yếu đến từ các thị trường quan trọng như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản, Đức, Nga, Australia…
Năm 2014, lượng kiều hối vào Việt Nam đã đạt 12 tỷ USD. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới bên lề buổi công bố Báo cáo "Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam" vừa diễn ra nhận định, năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Và theo như dự báo của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, ước tính lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD.