Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểu trồng rau “độc nhất vô nhị” ở Hà Nội

Hà My (theo Zing.vn)
Chia sẻ Zalo

Tận dụng những lỗ nhỏ trên hộc bê tông, người dân Thủ đô Hà Nội đã sáng tạo và trồng được những vườn rau xanh ngắt, cung cấp thực phẩm sạch cho cả gia đình.

  Trồng rau trên sân thượng, trên vỉa hè… từ lâu đã không còn lạ lẫm với người dân thành phố, nhưng vệc trồng rau trên bờ kè đường hay ao hồ không phải ai cũng làm được bởi chỉ có một số khu vực như đường Bưởi hay hồ Định Công, hồ Tai Trâu, người dân mới có đủ điều kiện.
 Khoảng một năm trở lại đây, khi đường vành đai 2 hoàn thành, đoạn bờ kè dài gần 1 km đối diện ngõ 462 đường Bưởi (quận Ba Đình) được thiết kế trên mặt ta-luy kiểu tổ ong để chống sạt lở bỗng chốc trở thành những vườn rau xanh ngắt.
 Mỗi ô vuông đều tăm tắp to chừng nắm tay nên người dân đã nghĩ ra việc tận dụng những hốc đá đó để trồng những loại rau ngắn mùa.
 Để có được vườn rau như hiện nay, người dân phải khai hoang, nhổ hết bụi cỏ rậm rạp, dùng que sắt xới từng ô rồi mua đất, gieo hạt.
 Với số vốn đầu tư chẳng đáng là bao, chỉ mất công đi mua đất, phân bón cùng mấy gói hạt giống mua về rắc dần là người dân đã có ngay một luống rau sạch để ăn dần.
 Từ những cây rau ăn hàng ngày như rau muống, cải bắp, rau dền, mồng tơi đến những cây leo giàn như bí, mướp hay các loại rau thơm đều được trồng bên con đường 6.000 tỷ này.
 Bà Nguyễn Thị Âu (số nhà 8, ngõ 462 đường Bưởi) cho biết mỗi ngày bà đảo qua đây 2-3 lượt để chăm sóc, cắt tỉa. Gia đình bà không chỉ có rau sạch mà tuổi già còn có việc để làm, nâng cao sức khỏe.
 Người dân chỉ dùng phân hữu cơ và nước máy xách từ nhà để chăm bón nên họ khá an tâm về bữa cơm trong gia đình. Thấy vườn rau xanh tốt, nhiều người đi đường còn dừng lại hỏi mua - ông Tuyến vừa bón phân cho rau vừa nói.
 Ở đây chúng tôi đã làm hết sức để có được vườn rau sạch, còn nhiều yếu tố ngoại cảnh như khói bụi từ xe cộ, không khí thì chúng tôi không thể làm gì được. Dù vậy, chúng tôi thấy yên tâm vì rau có nguồn gốc trong thời buổi vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay, ông Tuyến nói thêm.
 Vườn rau của các gia đình được phân chia bằng hàng rào tre hoặc những sợi dây thừng nhỏ. Mọi vật dụng được sử dụng để che chắn cho vườn rau.
 Không chỉ rau xanh mà cây thân gỗ, tạo bóng mát cũng được trồng xen vào mỗi luống rau.
 Nhiều lúc rau lên nhanh quá, nhà không ăn hết đều chia cho hàng xóm, bà Âu chia sẻ.
 Tuy nhiên việc bị hái trộm rau ở đây diễn ra thường xuyên. Họ nhìn thấy rau xanh, sạch nên ban đêm thường đến hái trộm. Sáng dậy nhìn vườn rau hôm trước còn xanh mơn mởn nay bị cắt trụi, bao công sức của mình cũng tiếc lắm chứ, bà Dung thở dài.
 Cách đây khoảng 4 năm, hồ Tai Trâu (quận Long Biên) được cải tạo, hồ giữ chức năng điều hòa nước trong khu vực. Những hộc bê tông chắc chắn xung quanh hồ được người dân tận dụng để trồng rau.
 Sau khi gieo trồng, chỉ khoảng 1-2 tháng rau lên xanh tốt và cho thu hoạch.
 Bên cạnh nước sạch mang từ nhà, người dân cũng sử dụng nước hồ để tưới.
 Không có lối đi xuống nên người dân phải trèo qua lan can cộng thêm việc bờ kè khá dốc nên nhiều người phải đi chân đất cho khỏi trơn trượt.
 Rổ rau muống xanh ngon của bà Nguyệt vừa mới hái.
 Không chỉ trồng rau mà người dân ở đây còn trồng thêm cả hoa, mỗi ô một cây hoa tạo nên góc hồ rực rỡ.
 Vườn rau kéo dài cả cây số vừa giúp các hộ dân có rau sạch để ăn, tiết kiệm chi phí, vừa tạo nên một không gian sống xanh sạch.