Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 45,736 tỷ USD

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là số liệu được đưa ra trong Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả phát triển KT-XH năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa Quốc hội khóa XIII sáng nay (20/5).

* Toàn văn Báo cáo

Nông lâm nghiệp thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng trưởng

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014, ước tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 4,76% của quý I/2013 và 4,75% của quý I/2012. Trong đó, lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%, đóng góp 0,32 điểm % vào mức tăng trưởng chung và cao hơn mức tăng 2,24% của quý I/2013; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, đóng góp 1,88 điểm % và cao hơn mức tăng 4,61% cùng kỳ năm 2013; lĩnh vực dịch vụ tăng 5,95%, đóng góp 2,76 điểm % và cao hơn mức tăng 5,65% cùng kỳ. Như vậy, trong quý I/2014, cả 3 khu vực nông lâm nghiệp thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 45,736 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó: Khu vực kinh tế trong nước ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 17,2%. Tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng ước đạt 45,052 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013. 4 tháng đầu năm 2014, xuất siêu khoảng 684 triệu USD, bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 288,8 nghìn tỷ đồng, bằng 36,9% dự toán năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, thu nội địa ước đạt 202,38 nghìn tỷ đồng, bằng 37,5% dự toán, tăng 17,3%; thu về dầu thô đạt 44% dự toán, giảm 4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 31% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2013. Số thu 4 tháng đầu năm đạt khá hơn cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với 2 năm gần đây. Chi NSNN ước đạt 331,295 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 33,7% dự toán; chi trả nợ và viện trợ đạt 33,6% dự toán; chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 33,6% dự toán.

Bên cạnh đó, lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Chính trị, xã hội ổn định, công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng được chú trọng; công tác đối ngoại được đẩy mạnh...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Tình hình KT-XH còn nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều rủi ro. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, lạm phát đã được kiềm chế nhưng vẫn tồn tại những yếu tố gây lạm phát cao trở lại. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với tiến độ huy động vốn của các tổ chức tín dụng; việc xử lý nợ xấu còn chậm so với yêu cầu. Sức cạnh tranh của nền kinh tế và của các ngành, sản phẩm, cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, tiếp cận tín dụng khó khăn, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao. Trong nông nghiệp, việc khôi phục chăn nuôi gia súc sau đợt rét đậm, rét hại đầu năm và phục hồi gia cầm sau dịch còn khó khăn do sức mua giảm, chi phí đầu vào cao,...

Việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn, nhất là người nghèo các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Một số dịch bệnh ở trẻ em trong thời gian chuyển mùa như sởi, thủy đậu, chân tay miệng... diễn ra trên diện rộng và còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường...

Các hoạt động vi phạm chủ quyền, các thế lực thù địch gây nhiều khó khăn cho việc phát triển nền kinh tế và ổn định xã hội. Công tác phòng chống tham nhũng có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định nhưng tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến rất phức tạp....

Chính phủ đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển KT-XH

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đã đề ra Chính phủ cần tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu phát triển thị trường, thúc đẩy tăng trưởng; triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tăng cường phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; Về các biện pháp liên quan đến bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014, sáng 20/5. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014, sáng 20/5. Ảnh: VGPNEWS
Cụ thể, Chính phủ điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vi mô. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất; phân bổ hợp lý trong năm và phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng tín dụng 12-14%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên.

Điều hành tỷ giá linh hoạt theo thị trường, bảo đảm ổn định tỷ giá và giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Triển khai các giải pháp phù hợp tiếp tục ổn định thị trường vàng và huy động được nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế. Thúc đẩy phát triển ổn định thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả huy động vốn cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; điều chuyển vốn của các dự án, công trình chậm tiến độ cho các công trình quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2014.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung rà soát, loại bỏ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, nhất là về xử lý nợ xấu để doanh nghiệp được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục nghiên cứu, cải cách các chính sách thuế, phí, lệ phí, các thủ tục đăng ký kinh doanh, tín dụng, thuế, hải quan, bất động sản,…

Thực hiện nhất quán chủ trương tái cơ cấu đầu tư đã đề ra. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đề tư, trình Quốc hội sửa Luật ngân sách nhà nước, ban hành Luật đầu tư công. Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát trong việc bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình.

Tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, trong đó tập trung vào xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, sắp xếp lại mạng lưới, tăng vốn điều lệ, cải thiện năng lực quản trị, thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại tổ chức tín dụng. Rà soát, bổ sung và phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đối với các vùng kinh tế, địa phương, các lĩnh vực và ngành kinh tế…

Ngoài ra, về vấn đề Biển Đông Chính phủ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở biển Đông. Nỗ lực giải quyết tình hình phức tạp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế.

Phát huy tinh thần yêu nước và sức mạnh của toàn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đồng thời, chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất kinh doanh của mọi cá nhân, tổ chức, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.