Ngày 5/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị “An toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra” tại TP Cần Thơ.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản phẩm cá tra được xuất khẩu sang hơn 140 thị trường trên thế giới. Kim ngạch năm 2022 đạt 2,44 tỉ USD, tăng 51,5% so với năm 2021, trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu đạt 873 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Công tác quản lý điều kiện nuôi trồng và điều kiện đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi, cơ sở ươm giống còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ cơ sở ươm giống được chứng nhận; giám sát thực hiện cam kết thấp; kết quả quản lý cơ quan địa phương chưa phản ánh đúng thực tế điều kiện của các cơ sở.
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - Tô Tường Lan, dựa vào tình hình 7 tháng của năm 2023, chưa có dấu hiệu phục hồi nào rõ ràng cho thị trường xuất khẩu cá tra những tháng tiếp theo.
Một điểm bất thường không phải là sức mua mà là đơn đặt hàng từ các đối tác rất chậm tại tất cả các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Về giá cá tra xuất khẩu, mặc dù quý II/2023, cá tra xuất khẩu đã có sự cải thiện về giá so với quý I/2023 nhưng giá xuất khẩu vẫn đi theo chiều hướng ngang. Theo đó, trong tháng 6, giá cá tra trung bình xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 3,5 USD/kg, giảm 21% so với tháng 6 và tiếp tục giảm 4% so với tháng 5.
“Dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm nay sẽ giảm 15%, ở mức xấp xỉ khoảng 2 tỷ USD”, bà Tô Tường Lan dự báo.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, từ nay đến cuối năm ngành hàng cá tra nên tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng; xây dựng lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Đồng thời, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các đơn vị liên quan và các địa phương, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh rà soát, khắc phục lỗi trong đảm bảo an toàn thực phẩm cần được tập trung thực hiện để chuẩn bị cho Đoàn thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ FSIS (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) sang kiểm tra vào ngày 7/8.
Bên cạnh đó, đối với địa phương cần tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm trong việc kinh doanh, phân phối thuốc thú y thủy sản cấm sử dụng; liên tục cập nhật, phổ biến về quy định, yêu cầu của cơ quan thẩm quyền các thị trường cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi.
Ngoài ra, theo ông Trần Thanh Nam, các doanh nghiệp nên tăng cường thị trường Nam Mỹ, chuẩn bị nguồn hàng vào các thị trường đã cạn nguồn dự trữ, xây dựng chuỗi cung cung ứng đã đứt gãy do nguồn cầu thấp.