Ngày 10/1, UBND tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong 9 tháng năm 2023.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2022. Một số sản phẩm tăng khá như: lọc hóa dầu ước tăng 5%; may mặc ước tăng 11,3%. Một số sản phẩm giảm như sữa các loại giảm 16,4%; giày da giảm 4,8%; sắt thép giảm 22,7%...
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm 2023 tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 53.300 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2022.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Quảng Ngãi trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.880 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu tăng như: may mặc, cơ khí, thép… có một số mặt hàng xuất khẩu giảm như: thủy sản, hàng thực phẩm chế biến, giày, túi xách da các loại, dăm gỗ nguyên liệu giấy…
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.735 triệu USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ với những sản phẩm chủ yếu như dầu thô, sắt thép, máy móc, nguyên phụ liệu.
Tổng thu ngân sách ước đạt 18.267 tỷ đồng, gần bằng 80% so với cùng kỳ năm trước. Ước đến ngày 30/9, Quảng Ngãi giải ngân vốn đầu tư công hơn 4.230 tỷ đồng, bằng 62,3% kế hoạch vốn Chính phủ giao.
Theo tỉnh Quảng Ngãi, trong điều kiện biến động kinh tế toàn cầu, tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tổng cầu trong nước suy giảm, sức mua yếu; sản xuất công nghiệp dù tăng nhưng vẫn còn thấp, giá cả nguyên vật liệu tăng cao.
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2023, lãi suất ngân hàng tăng cùng với chính sách siết chặt tín dụng nên làm hạn chế hoạt động sản xuất, giảm sản lượng.
Việc tiếp cận nguồn vốn và các nguồn cung-cầu nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến số lượng doanh nghiệp thành lập. Thu ngân sách từ nguồn thu sử dụng đất đạt thấp, giải ngân vốn đầu tư chưa đạt kế hoạch đề ra.